Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015 ngành Ngoại giao: Gắn công tác thi đua với nhiệm vụ đối ngoại

Mai Loan 27/10/2015 21:46

Sáng 27-10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015. Đến dự và phát biểu chỉ đạo có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng- Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, cùng các vị nguyên là lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ và 500 chiến sĩ thi đua các cấp của Bộ Ngoại giao giai đoạn 2011-2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên cờ truyền thống
của Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) vì đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Ảnh: TTXVN

Khơi dậy khát vọng cống hiến

Trình bày báo cáo tổng kết tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cho biết, công tác thi đua - khen thưởng của Bộ Ngoại giao luôn là nội dung quan trọng của công tác xây dựng ngành; là biện pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy thi đua lành mạnh giữa các đơn vị và cá nhân ở trong và ngoài nước; góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã thiết lập được hệ thống các quan hệ “đối tác chiến lược”, “đối tác chiến lược trên một số lĩnh vực”, “đối tác toàn diện” với 26 nước; trong đó có 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại: “Thi đua là tinh thần quốc tế”, “Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới”, “Thi đua là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới”. Thủ tướng cho rằng, nhờ thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong công tác đối ngoại luôn được lãnh đạo Bộ Ngoại giao quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ, toàn diện với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả như các phong trào thi đua “Đoàn kết, dân chủ, trí tuệ”, “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để triển khai ngoại giao toàn diện và hội nhập quốc tế”,“Ngoại giao Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, “Thi đua vì biển đảo quê hương”, “Thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… và nhiều phong trào thi đua cụ thể khác.

“Các phong trào thi đua của Bộ Ngoại giao đã lan rộng trong cán bộ, viên chức, người lao động, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần quốc tế trong sáng “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”; khơi dậy khát vọng cống hiến, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để ngành ngoại giao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên mặt trận đối ngoại”- Thủ tướng nói.

Kiên định mục tiêu lợi ích quốc gia dân tộc là cao nhất

Trải qua 30 năm Đổi mới, mặc dù vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhưng thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều. Thời gian tới, thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đều lớn, đan xen nhau và chuyển hóa lẫn nhau. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra là rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế; việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, các Hiệp định FTA giữa Việt Nam với EU, với Hàn Quốc, với Liên minh kinh tế Á-Âu cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh ấy, Thủ tướng cho rằng: Chúng ta phải kiên định mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất, đoàn kết nhất trí, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, nỗ lực phấn đấu khắc phục những hạn chế yếu kém, vượt qua khó khăn thách thức xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - độc lập, hòa bình, thống nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; dân chủ, tự do, pháp quyền, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh; hội nhập và phát triển, tiến cùng thời đại, sánh vai với bạn bè trên thế giới - như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của nước ta đã đề ra.

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu, ngành Ngoại giao phải gắn chặt công tác thi đua với nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị đối ngoại được giao, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Coi đây là tiêu chí cao nhất để đánh giá cán bộ cũng như đánh giá công tác thi đua, khen thưởng. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế phải chủ động, tích cực góp phần quan trọng hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng đầu là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường hữu nghị, hợp tác với các quốc gia, bình đẳng cùng có lợi, đồng thời gắn chặt với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thực hiện hiệu quả các biện pháp chính trị - ngoại giao trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đề cao tinh thần đoàn kết quốc tế trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; đoàn kết xây dựng cộng đồng ASEAN và làm tốt trách nhiệm là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.

Để làm tốt nhiều công việc cùng lúc, “mỗi cán bộ Ngoại giao phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu thực sự thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để vận dụng linh hoạt, hiệu quả vào công tác của mình. Trong tiến trình đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thi đua yêu nước trong ngành Ngoại giao phải rất sáng tạo để “thi đua” với bạn bè quốc tế, cùng với các nước đóng góp có trách nhiệm vào gìn giữ hòa bình, ổn định, tăng cường hợp tác, phát triển trong khu vực và quốc tế”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Mai Loan