Lộ trình xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt
Là một trong những ngành có tiềm năng xuất khẩu lớn, song, thực phẩm của Việt Nam hầu như chưa khẳng định được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Đáng buồn là, chỉ 6% người dân trên thế giới khi được hỏi cho rằng họ biết đến thực phẩm của Việt Nam.
Vấn đề xây dựng thương hiệu cần phải được đặt ra.
“Cần phải có lộ trình để xây dựng thương hiệu cho thực phẩm Việt Nam” – đó là ý kiến của hầu hết đại biểu khi tham dự Hội thảo Xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức ngày 27/10.
Mặc dù có lợi thế lớn về xuất khẩu các mặt hàng nông sản, song, hầu như các sản phẩm nông sản nói chung, ngành thực phẩm của Việt Nam nói riêng chưa hề có chỗ đứng trên bản đồ thế giới. Điều này cho thấy, dường như các DN Việt Nam chưa quan tâm đến vấn đề quảng bá, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm của mình. Điểm yếu này đang khiến cho sức cạnh tranh của các DN Việt Nam sụt giảm.
Bên cạnh đó, cần thừa nhận một thực tế, chúng ta đang xuất khẩu nông sản chủ yếu xuất khẩu dạng thô, nên giá trị không cao. “Thế giới sẽ không thể biết đến nông sản, thực phẩm của Việt Nam nếu chúng ta không chú tâm xây dựng thương hiệu”, bà Lê Thị Bích Thu, đại diện Cục chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, bởi vậy, hơn lúc nào hết, vấn đề xây dựng thương hiệu được đặt ra vô cùng cấp bách, nếu các DN Việt Nam không muốn hình ảnh sản phẩm của mình bị lu mờ trên bản đồ thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, xây dựng một lộ trình về thương hiệu cho thực phẩm của Việt Nam là một việc cần thiết để định vị thương hiệu chung cho ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế; xây dựng uy tín về chất lượng và giá trị; gia tăng mạnh mẽ xuất khẩu và thúc đẩy ngành thực phẩm Việt Nam tăng trưởng.
Ông Hải cho biết: Chương trình xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm được Bộ Công Thương khởi động từ cuối năm 2014 xuất phát từ nhu cầu của các Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp về xây dựng một hình ảnh chung, thống nhất cho ngành thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Tuy nhiên, công tác xây dựng thương hiệu và marketing xuất khẩu trong ngành còn nhiều hạn chế, hoạt động xuất khẩu của ngành thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận thu về từ xuất khẩu thấp, các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam chưa có giá trị gia tăng cao và chưa giành được vị trí vững chắc trên thị trường nhất là thị trường ngoài nước” – Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá.
Có một thực tế đáng buồn, nhiều sản phẩm thực phẩm của Việt Nam đã đặt chân được đến nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng, số người dân thế giới biết đến “món ăn hồn Việt” lại chỉ là một con số vô cùng khiêm tốn.
“6% người dân thế giới được hỏi cho là họ biết món ăn, thực phẩm Việt.Con số này chỉ bằng ½ so với tỷ lệ người dân biết món ăn xuất xứ Thái Lan (13%), và thua rất xa so với món ăn của Hàn Quốc” – ông Julian Lawson Hill, Công ty Tư vấn quốc tế Giraffe Consulting nêu quan điểm.
Sở dĩ có thực tế này là bởi, năng lực quảng bá sản phẩm của các DN Việt Nam yếu hẳn so với Hàn Quốc và Thái Lan
Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, để có thể tham gia vào thị trường tiêu thụ sản phẩm thực phẩm có giá trị gia tăng tại thị trường thế giới, các DN Việt cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm của mình như xác định đối tượng mục tiêu, xu hướng, nhu cầu kể cả việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, ý nghĩa logo thương hiệu…
Đứng ở vị trí DN sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm lương thực thực phẩm, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn NaFoods cũng thừa nhận, Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng, song ở thời điểm hiện tại, hầu hết các DN Việt hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường.
“Mặt hàng rau củ quả chủ yếu chỉ qua sơ chế và xuất thô. Nếu biết tích hợp chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, tăng năng suất thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới’ – ông Kiên chia sẻ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các DN cần nỗ lực trong việc nâng cao, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ để đạt độ tự động hóa cao, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Lâu nay, thực phẩm Việt Nam khi thâm nhập thị trường nước ngoài thường gặp phải những lỗi liên quan đến vệ sinh thực phẩm. Điều này góp phần làm ảnh hưởng đến vị thế, sức cạnh tranh của ngành thực phẩm Việt Nam” – các chuyên gia đánh giá.
“Xây dựng một lộ trình về thương hiệu cho thực phẩm của Việt Nam là việc cần thiết để định vị thương hiệu chung cho ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế; xây dựng uy tín về chất lượng và giá trị; gia tăng mạnh mẽ xuất khẩu và thúc đẩy ngành thực phẩm Việt Nam tăng trưởng” - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.