Mạnh tay loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi

Thanh Giang 29/10/2015 08:34

Cần xóa sổ chất cấm trong hoạt động chăn nuôi thì mới tính đến chuyện cạnh tranh với thịt ngoại nhập.  Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nêu quan điểm tại hội thảo “Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi”, diễn ra ngày 28/10 tại TP HCM.

Mạnh tay loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi

Thông tin thịt heo có chất cấm kéo giảm sức mua tại các chợ. Ảnh: S.Xanh.

Lo ngại thua trên “sân nhà”

Trong thời gian qua việc sử dụng tràn lan chất cấm trong chăn nuôi của các tỉnh thành đã được ngành nông nghiệp cảnh báo. Vậy, chất cấm từ đâu mà ra? Ngăn chặn và xử lý như thế nào để thị trường có thực phẩm thật sự “sạch” đang là những câu hỏi cần được giải đáp?

Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT cho biết: Việt Nam đang nằm trong danh sách những nước giàu có về nguồn thực phẩm tươi sống, đứng vị trí thứ 4 thế giới về đầu gia súc, đứng thứ 6 về sản lượng. Tuy nhiên khó khăn trước Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn toàn không nhỏ. Khi vào TPP, Việt Nam sẽ yếu thế ở lĩnh vực chăn nuôi hơn so với 11 nước còn lại.

Đặc biệt, Việt Nam thua 5 - 6 nước như: Hoa Kỳ, Australia, Canada, New Zealand… là những nước có trình độ chăn nuôi cao hơn Việt Nam. Để có thể cạnh tranh tại sân nhà với các sản phẩm ngoại nhập, sản phấm thịt nội địa phải đảm bảo chất lượng tốt, có giá thành cạnh tranh hợp lý. Và, yêu cầu cao hơn cả là làm sao đó phải đưa ra thị trường những sản phẩm thịt an toàn. Theo ông Dương, trước mắt phải kiên quyết loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi. Về lâu về dài cần tái cơ cấu, tổ chức lại ngành sao cho phù hợp.

Nhức nhối về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi một cách tràn lan, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam băn khoăn: “Tôi chưa hình dung và định hướng trong giai đoạn tới ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ phát triển như thế nào? Dù có định hướng phát triển theo hướng nào đi nữa thì cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý”.

Ông Lê Bá Lịch phân tích. Mở cửa thị trường cho TPP cùng một số hiệp định thương mại tự do khác đồng nghĩa với việc hàng hóa, thực phầm ồ ạt vào. Các đối thủ đáng gờm sẽ giương cao khẩu hiệu “thịt sạch”, thịt an toàn vệ sinh thực phẩm… Khi đó, đảm bảo thịt heo Việt Nam thua ngay về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm so với thịt ngoại nhập. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam vẫn sử dụng chất cấm thì ngành chăn nuôi sẽ thua ngay trên “sân nhà” chứ đừng hy vọng chiếm lĩnh “sân người”.

Lo cho khả năng cạnh tranh trong thời gian tới của ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: Nông dân và ngành chăn nuôi Việt Nam không sợ khó từ hội nhập nhưng phải biết ngại. Vấn đề trước mắt đặt ra hiện nay, kiên quyết loại bỏ tình trạng chất cấm tồn tại trong chăn nuôi như thời gian qua.

Mạnh tay loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi - 1

Kiểm tra sử dụng chất cấm trong các trang trại chăn nuôi và hộ gia đình.

Xử lý triệt để

Nhìn thẳng vào thực tế chăn nuôi và sử dụng chất cấm, TS. Vương Nam Trung - đại diện Phân Viện Chăn nuôi Nam bộ cho biết, thời gian gần đây cơ quan quản lý liên tục phát hiện “thịt heo bẩn” tại trang trại, lò mổ, siêu thị, hệ thống bán lẻ… Tình trạng này rất đáng báo động. Nguy hiểm hơn cả 3 loại chất cấm không cho sử dụng hiện nay là Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamin vẫn phát hiện trong thịt heo.

TS Vương Nam Trung cho biết: Salbutamol có thời gian bài thải rất chậm, trên 21 ngày. Vì vậy, nếu sử dụng chất này trong hoạt động chăn nuôi sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bàn về nguồn gốc của chất cấm, ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y TP. HCM cho rằng, chất cấm vào lĩnh vực chăn nuôi bằng cả con đường chính ngạch, tiểu ngạch và đang lan rộng ở các tỉnh – thành. Chất cấm hấp dẫn người chăn nuôi sử dụng từ những loại thức ăn bổ sung với nội dung quảng cáo theo kiểu: giúp bung đùi, nở vai…

Rõ ràng chất cấm đang phá hoại ngành chăn nuôi. Đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi chia sẻ, nếu muốn phát triển tốt cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nhà máy thức ăn chăn nuôi cần phải nghiêm túc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn ngược lại, chính ngành này tự dồn mình vào chân tường rồi “tự sát”.

Nhìn rộng ra các nước và so sánh, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay, không chỉ có Việt Nam sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trước đây ngành chăn nuôi của Thái Lan cũng sử dụng chất này. Nhưng sau 5 năm quyết liệt thực hiện đến nay nạn nay được Thái Lan xóa bỏ hoàn toàn. Như vậy thì không có lý do gì Việt Nam không làm được. Giải pháp tối ưu hiện nay, thường xuyên kiểm tra, quyết liệt xử phạt. Muốn làm được điều này cần có sự phối kếp hợp của ngành y tế, công thương, công an.

Trong đó, ngành công an đóng vai trò hết sức quan trọng vì hình thức sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể xem là tội phạm hình sự. Đồng thời, cần nâng cao tầm quan trọng và trách nhiệm của chính quyền địa phương vì không có sự can thiệp của địa phương khó có thể ngăn chặn triệt để.

Thanh Giang