Tận diệt thủy sản hồ Dầu Tiếng
Miền Nam đang trong cao điểm mùa mưa cũng là lúc hồ Dầu Tiếng (nằm trên địa phận Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước) bước vào mùa tích nước. Dịp này, hàng trăm ngư dân ven bờ với các loại phương tiện đánh bắt tận diệt lại càn quét lòng hồ khiến nguồn lợi thủy sản hồ Dầu Tiếng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Dùng lưới mắt nhỏ đánh bắt ven hồ Dầu Tiếng. Ảnh:Ứng Hòa.
Đánh bắt đêm ngày
Với địa hình rộng hàng chục ngàn héc-ta, mùa mưa hồ Dầu Tiếng rộng mênh mông cũng là mùa mà nhiều loại cá bước vào thời điểm sinh sản. Theo đánh giá của các cán bộ quản lý, những địa bàn có nhiều loại cá thường xuyên tập trung mùa sinh sản như khu vực Hóc Cò, Vàm Suối Đông, khu sừng hươu, rừng thượng nguồn… nằm trên địa phận tỉnh Tây Ninh và cả tỉnh Bình Phước. Bởi nơi đây nước êm, sát rừng, nhiều sinh vật phù du thuận lợi với cá sinh sản. Và, đó cũng là nơi mà nhiều người tập trung đánh bắt, với nhiều loại cá như rô phi, cá chép, mè vinh, cá lóc…
Theo chân một chiếc ghe nhỏ đi xuyên lòng hồ, chúng tôi bắt gặp hàng chục tay lưới đang bủa vây tại những khu vực có nhiều cá. Chủ đò cho biết, mỗi cá thể cá rô phi đến mùa sinh sản có thể cho ra hàng ngàn con non, nếu chúng bị đánh bắt cũng có nghĩa là cả năm sau, lượng cá ở lòng hồ giảm đi đáng kể. Thêm nữa, mùa này còn có hàng triệu cá thể cá non được thả xuống hồ, cũng bị đánh bắt. Ở khu vực xã Định Thành (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương), rất nhiều ghe thuyền sử dụng lưới mắt nhỏ đang khai thác thủy sản trên lòng hồ. Do khu vực này rộng, lại giáp ranh của các địa phương nên rất khó để lực lượng chức năng có thể kiểm soát được. Mỗi ngày, ghe lưới đánh bắt hàng chục ký lô cá, từ nhỏ cho tới lớn.
Không chỉ ban ngày, ban đêm cũng là thời điểm nhộn nhịp của việc đánh bắt, khai thác thủy sản với hình thức dùng đèn chiếu sáng và cả chà dụ cá, một hình thức khai thác bị cấm đánh bắt từ lâu. Theo đó, người dân dùng cây cối, bè nứa đóng ghép thả xuống mặt nước (có khi còn thêm cả thức ăn tự nhiên) để dụ cá vào sinh sống, ban đêm dùng ghe lưới vây cá. Với cách đánh bắt này, hầu như không sót một loài thủy sản nào là điều mà cơ quan chức năng vô cùng lo ngại.
Trong thời gian tìm hiểu việc đánh bắt cá trái phép ở hồ Dầu Tiếng, chúng tôi được nhiều người dân ở khu vực thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) cho biết, do mùa nước mới, cá dưới hạ lưu theo dòng tràn lên cư trú ở vùng hồ Tha La rất nhiều. Vì vậy, tại vùng này, suốt đêm các ghe máy dùng đèn lưới bủa vây nhưng không ai kiểm soát được.
Nguy cơ cạn kiệt
Theo ông Hà Thanh Tùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) thì những năm trước, số ngư dân làm nghề đánh bắt ở hồ Dầu Tiếng chỉ là những người Việt kiều bên Campuchia lưu lạc cư ngụ ven hồ mà thôi. Chính vì thế, chính quyền địa phương đã đầu tư xây nhà tái định cư cho từng hộ, cấp đất để canh tác nhưng nhiều gia đình, vì quen nghề thủy sản nên vẫn tiếp tục mưu sinh ở lòng hồ. Thế nhưng, nếu người dân đánh bắt theo đúng quy định, biết gìn giữ và phát triển bền vững thì nguồn lợi ngày càng phong phú, dồi dào.
Ngược lại, đánh bắt kiểu như hiện nay là hình thức tận diệt, không cách gì cứu vãn được. “Với nguồn lợi ngày càng nhiều, gồm thủy sản tự nhiên và thủy sản thả xuống lòng hồ, việc đánh bắt cá mùa sinh sản có thể mang lại lợi nhuận hàng triệu đồng/ngày khiến nhiều hộ dân ven bờ ở các các địa phương Bình Dương, Bình Phước cũng tham gia khiến việc kiểm soát gần như là không thể”, ông Tùng cho biết.
Được biết, với quy định từ tháng 8 đến tháng 10, các phương tiện đánh bắt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng bị hạn chế ở nhiều khu vực là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt như hiện nay. Theo cơ quan chức năng, để biến hồ Dầu Tiếng thành nguồn lợi thủy sản bền vững, là sinh kế thực sự cho ngư dân ven bờ cần có quy định, kiểm soát chặt chẽ hơn, gồm cả các chế tài xử phạt cần thiết chứ không đơn giản chỉ là tuyên truyền.