Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Cần được đổi mới như thế nào?
Ngày 28/10, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý kiến về Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2016. GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhận định: Mặc dù Bộ GD&ĐT đã tạo cơ hội lựa chọn ngành và trường cho thí sinh (TS) nhưng vẫn còn một số trục trặc.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Tách tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐGD Trường Lương Thế Vinh: Trong kỳ thi vừa qua, chúng ta nói kiểm tra đánh giá năng lực HS là hoàn toàn cảm tính. Chúng ta muốn đánh giá lại thì nên làm hết sức cụ thể.
PGS Cương đưa ra câu hỏi, có nên nhập hai kỳ thi không? Trong bài thi 2 trong 1 đánh giá năng lực thế nào? 6 câu tốt nghiệp, 4 câu vào ĐH, thế thì đánh giá năng lực thế nào với bài 6 điểm (6 điểm phần tốt nghiệp + 0 điểm phần nâng cao), hay với bài thi 6 điểm (4 điểm phần tốt nghiệp + 2 điểm phần nâng cao) thì đánh giá như thế nào? Không có phân tích ra điểm của phần nào, không thể đánh giá năng lực được.
Vấn đề khó khăn ở chỗ chúng ta kết hợp hai chuyện vào bài thi, gồm hai mục tiêu khác nhau. Một là đúng ngưỡng tốt nghiệp, hai là chọn vào ĐH. Bởi vậy chúng ta phải xem lại vấn đề hai kỳ thi trước kia nhưng với quan điểm khác. Kỳ thi phổ thông hãy giao cho Sở, có thể làm như ĐHQG Hà Nội, có đủ câu hỏi Toán, Lý, Sử… vào một bài và hết sức nhẹ nhàng, kết hợp học bạ thì cho qua tốt nghiệp. Tốt nghiệp ở Hà Nội vài trường tập hợp lại đi gần lắm. Chúng ta giao cho Sở tự quản sẽ đơn giản, kể cả 100% đỗ cũng không vấn đề gì.
Nhưng đến ĐH thì giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Thi khối A thì phải thi môn Toán đề chung, nhưng Toán dạy cho Sư phạm khác với cho Kĩ sư Bách khoa, khác với Ngân hàng… thế mà bắt thi chung một đề Toán để kiểm tra, đây không phải là để định hướng đầu ra. Đào tạo hoàn toàn khác nhau sao lại cùng làm đề Toán để vào trường ĐH giống nhau?
Cùng chung ý kiến, TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đông Đô cho rằng: Cấu trúc đề thi THPT Quốc gia vừa qua không hợp lý, đánh giá không chính xác. Chúng ta quy định 10 câu, 60% nội dung câu hỏi cho xét tốt nghiệp, 40% xét ĐH, nếu 1 HS đạt 8 điểm nhận vào trường ĐH thì trong đó chỉ có 2 điểm ở mức nâng cao thôi, nghĩa là xét ĐH chỉ có 2 điểm. Như vậy chất lượng đầu vào năm nay là giảm so với mọi năm.
Nên bỏ điểm sàn
Theo GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ đề nghị Bộ cho tất cả các trường được tuyển sinh theo hai tiêu chí (điểm sàn và xét học bạ) để đảm bảo cho TS đều có thể vào trường ĐH, CĐ. Đồng thời đề nghị Bộ cho tất cả các trường đều tuyển sinh hai đợt 1 năm.
GS Phương cũng cho rằng, đã đến lúc nên xét lại điểm sàn. Điểm sàn có nhiều nhược điểm không đúng: Thứ nhất có thật có điểm sàn mới học tốt không? Kinh nghiệm trường tôi thấy không đúng. Có nhiều em không đạt điểm sàn nhưng muốn đi học nên đến trường tôi học ngoại ngữ đi nước ngoài. Nhiều trường cũng chỉ cần bằng THPT và trình độ ngoại ngữ đều có thể học. Chung quan điểm, GS Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH cho rằng: Tuyển sinh ĐH nên để các trường ĐH tự chủ, không nên quy định điểm sàn vì mỗi trường đào tạo theo yêu cầu của họ, còn điểm sàn là tốt nghiệp THPT.
Các trường đều có quyền tự chủ tuyển sinh
Vấn đề tự chủ tuyển sinh, lãnh đạo trường ĐH FPT chia sẻ: Mong muốn lớn nhất của các trường hiện nay là tuyển đủ TS theo đúng dự kiến. Nhưng vấn đề lớn là nhiều trường chưa sẵn sàng trong việc tự mình tuyển sinh.
Lắng nghe và tiếp thu ý kiến, PGS Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Đạt được có thành công của kỳ thi vừa qua, là kết quả công sức của toàn xã hội. Bên những thành công cũng có bất cập, Bộ sẽ tiếp tục, kịp thời điều chỉnh khắc phục. Thứ trưởng cũng chia sẻ, vấn đề tự chủ ĐH, vừa rồi một số đại biểu cũng bức xúc, thực ra tự chủ tuyển sinh các trường được giao rồi. Các trường được đăng ký đề án xây dựng phương án tuyển sinh của mình. Nhưng muốn tự chủ thì phải có năng lực nhất định.