Mỹ tiếp tục điều tàu tuần tra sát đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc

Khánh Duy 29/10/2015 06:13

Theo giới chức Mỹ, Hải quân nước này sẽ tiếp tục điều thêm chiến hạm tới sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên khu vực chồng lấn chủ quyền ở Biển Đông.

Mỹ tiếp tục điều tàu tuần tra sát đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc

Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ. (Nguồn: BBC).

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi chiến hạm USS Lassen của Mỹ di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng.

Trước đó, vào rạng sáng 27/10, tàu khu trục có trang bị tên lửa định hướng USS Lassen của Mỹ đã di chuyển vào khu vực 12 hải lý của ít nhất một trong các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái này đã khiến chính quyền Bắc Kinh nổi giận, dẫn đến việc triệu hồi Đại sứ Mỹ ở nước này đến để cảnh báo về mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của họ.

Đến cuối ngày 27/10, một quan chức giấu tên của Mỹ nói với Hãng tin AFP rằng Washington sẽ tiếp tục điều chiến hạm áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông.

“Chúng tôi sẽ lặp lại điều đó” – vị quan chức giấu tên nói với AFP – “Chúng tôi di chuyển trên vùng biển quốc tế vào thời điểm và địa điểm mà chúng tôi lựa chọn”. AFP dẫn lời vị quan chức trên cho hay tàu khu trục USS Lassen đã di chuyển quanh một số đảo nhân tạo của Trung Quốc, trong khoảng thời gian kéo dài 2 giờ đồng hồ. Phía Trung Quốc nói rằng, ít nhất 2 tàu của họ đã được cắt cử để theo sát tàu USS Lassen. Một quan chức khác của Mỹ cho hay, trong quá trình di chuyển, tàu USS Lassen vẫn giữ mối thông tin liên lạc “thường xuyên” với các tàu Trung Quốc.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trước đó gợi ý rằng sẽ còn có thêm các hoạt động của hải quân nước này trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông.

“Chúng tôi đang hành động dựa trên cơ sở rằng, chúng tôi sẽ di chuyển trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, bất cứ khi nào mà chiến dịch cần thiết phải thực hiện” - ông Carter nói.

Theo AFP, căng thẳng trên khu vực Biển Đông bắt nguồn từ khi Trung Quốc thực hiện quá trình cải tạo các bãi cạn - vốn nằm trong vùng tuyên bố chủ quyền chồng lấn của nhiều quốc gia trong khu vực - thành các đảo nhỏ có khả năng trở thành các cơ sở quân sự; đây là một động thái mà Mỹ cho là sẽ trở thành mối đe dọa ghê gớm đối với tự do hàng hải trong khu vực.

Khánh Duy