Vụ 'siêu lừa' Agribank chi nhánh 6: Công tố kiên quyết bác đề nghị chuyển tội danh

Lê Anh 30/10/2015 00:05

Ngày 29/10, TAND TP HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dẫn đến thất thoát 966 tỷ tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh 6 (gọi tắt là Agribank CN6), với các tranh luận của đại diện Viện KSND liên quan đến đề nghị thay đổi tội danh đối với các bị cáo.

Vụ 'siêu lừa' Agribank chi nhánh 6: Công tố kiên quyết bác đề nghị chuyển tội danh

Bị cáo Hồ Đăng Trung, nguyên Giám đốc Agribank CN6.

Tại tòa, Luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) khi bào chữa cho bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên GĐ Ngân hàng Agribank CN6) đã trình bày tranh luận của mình, cho rằng, đối với tội danh truy tố bị cáo Trung về “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS là chưa có cơ sở.

Theo Luật sư Hoài thì hành vi của bị cáo Trung phải được xem xét theo hướng “có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, khi tranh luận với bào chữa của luật sư Phan Trung Hoài, quan điểm của cơ quan công tố cho rằng có đầy đủ bằng chứng cho thấy bị cáo Trung dù biết rõ các quy định trong lĩnh vực tín dụng nhằm đảm bảo khả năng bảo toàn vốn nhưng vì một số động cơ như muốn tăng doanh số, bị cáo và thuộc cấp đã bất chấp quy định của pháp luật cho vay vượt quyền phán quyết, cho vay không có biện pháp bảo đảm, không thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro gây thiệt hại của Nhà nước số tiền đặc biệt lớn,… đã liên tục vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại 966 tỷ đồng của nhà nước.

Do đó, về mức án đề nghị từ 18 - 20 năm tù đối với bị cáo này là có cơ sở.

Tại tòa, đại diện Viện KSND cũng đã phản bác lại ý kiến bào chữa của luật sư đại diện cho bị cáo Lê Thành Công (nguyên GĐ công ty Dệt kim Đông Phương) khi cho rằng bị cáo này không tư lợi số tiền 500 triệu đồng được cho là “tiền lãi” mà Công giữ lại khi cho “siêu lừa” Dương Thanh Cường vay 10 tỷ đồng (trên thực tế Cường chỉ nhận 9,5 tỷ đồng – PV).

Theo đại diện Viện KSND, khi bị cáo Cường đến hỏi vay 10 tỉ đồng thì Công đã liên hệ ký hợp đồng vay của Công ty Thành Công 10 tỉ đồng. Sau khi nhận được khoản vay này, Công chỉ đạo lập ủy nhiệm chi 9,5 tỉ đồng cho Cường.

Trong hợp đồng vay này, Công không đưa ra bàn bạc lấy ý kiến tập thể lãnh đạo công ty Dệt kim Đông Phương về việc cho Cường vay tiền, nhưng với tư cách giám đốc đã tự ký hợp đồng với Công ty Thành Công để sau đó cho Cường vay lại. Do đó, bị cáo Công rõ ràng đã “đút túi” riêng khoảng 500 triệu đồng và có đầy đủ các bằng chứng về hành vi này.

Đối với bị cáo Đỗ Trọng Nhân bị đề nghị từ 10 - 11 năm tù về tội“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thì đại diện Viện KSND cho biết, đã xem xét các hình thức giảm nhẹ cho bị cáo khi đề nghị mức án này.

Đối với tài sản “số 10 Âu Cơ” thì đại diện Viện KSND cho rằng, Agribank CN6 đã nhận tài sản không đủ điều kiện thế chấp và đã vi phạm vào Điều 106 Luật Đất đai 2003 và vi phạm vào khoản 10 điều 3 của Nghị định 163 về giao dịch đảm bảo.

Ngoài ra, việc Agribank CN6 cho công ty Tấn Phát mượn “sổ đỏ” của dự án nhà đất “số 10 Âu Cơ” (hiện tại ngân hàng chưa thu hồi được) cũng đã vi phạm Quyết định 1300 của Ngân hàng Agribank. Ngay cả việc cho vay vượt quyền phán quyết từ 80 tỷ lên 170 tỷ đồng cũng đã vi phạm các quyết định của Agribank về mức phán quyết tối đa.

Đại diện Viện KSND cũng cho rằng, việc đề nghị tuyên phạt bị cáo Dương Thanh Cường tù chung thân về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn có cơ sở.

Hôm nay (30/10), phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng giữa đại diện Viện KSND với các luật sư bào chữa và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Lê Anh