Vì sao chấp hành viên không thi hành án?
Ngày 19/10, ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) có đơn gửi đến các cơ quan chức năng và nhiều cơ quan báo chí tố cáo việc chậm thi hành án của chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành (Sóc Trăng).
Ảnh minh họa.
Theo ông Trung, tháng 8/2011 và tháng 2/2012, bà Phạm Thị Phương Loan (ngụ huyện Tân Trụ, Long An) có ký 2 hợp đồng tín dụng với Phòng giao dịch của Agribank TP Sóc Trăng để vay 800 triệu đồng, thế chấp cho ngân hàng nhiều thửa đất ở huyện Châu Thành. Qúa hạn, bà Loan không trả được nợ nên Agribank Sóc Trăng khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ.
TAND huyên Tân Trụ đưa vụ án ra xét xử. Phía ngân hàng thắng kiện nhưng bà Loan kháng cáo xin giảm nợ quá hạn. Ngày 3-9-2014, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm, tuyên bà Loan phải trả cho ngân hàng tiền gốc lẫn lãi trên 1,1 tỷ đồng (Bản án số 12).
Tháng 12-2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Trụ (Long An) ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành (Sóc Trăng) để thi hành Bản án số 12 do tài sản bà Loan thế chấp ở huyện Châu Thành. Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án ở Châu Thành cho rằng, Bản án số 12 tuyên không rõ ràng vì có câu “tiếp tục thực hiện hợp đồng thế chấp” nên yêu cầu cơ quan tố tụng ở Long An giải thích.
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa tuyên Bản án số 12 có công văn giải thích: “Theo hợp đồng thế chấp có ghi: Đến hạn mà không trả nợ thì bị xử lý tài sản thế chấp (phát mãi tài sản) để thi hành án. Vì vậy, bản án đã tuyên như trên là nếu bà Loan không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bị xử lý phát mãi tài sản thế chấp theo nội dung ghi trong hợp đồng thế chấp”.
Thế nhưng, Chi cục thi hành án huyện Châu Thành vẫn không chịu tổ chức thi hành án vì cho rằng, việc giải thích của thẩm phán Tuấn là không đúng với Điều 240, 382 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về việc sửa chữa, bổ sung bản án và Giải thích bản án, quyết định của tòa án. Từ đó, Chi cục Thi hành án huyện Châu Thành tiếp tục trả hồ sơ cho huyện Tân Trụ.
Theo bà Trần Thị Ánh Tuyết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, chấp hành viên cho biết, Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự, ghi: Sau khi tuyên án thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai… Vì vậy, bà cho rằng, việc “bổ sung” như văn bản giải thích của TAND tỉnh Long An là không phù hợp.
Bà Tuyết còn lý giải thêm: “Khoản 3 Điều 382 nêu: Việc giải thích bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào biên bản phiên tòa và biên bản nghị án. Tuy nhiên, TAND tỉnh Long An lại căn cứ vào hợp đồng thế chấp là không đúng. Do câu chữ chưa chặt chẽ, quyết định ủy thác của Tân Trụ chưa thể hiện được phần giải thích bản án”. Theo bà Tuyết, ngoài việc trả hồ sơ cho TAND huyện Tân Trụ, Chi cục thi hành án huyện Châu Thành đang làm văn bản xin ý kiến của Cục thi hành án tỉnh Sóc Trăng.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Dũng, Viện trưởng VKSND huyện Châu Thành. Ông cho biết, việc giải thích bản án của TAND tỉnh Long An là qúa rõ ràng, nội dung phù hợp. Hồ sơ liên quan đến vụ này đã đủ điều kiện thi hành án. Phía bà Loan cũng không còn khiếu nại gì, đồng tình để cơ quan thi hành án phát mãi tài sản, giúp ngân hàng sớm thu hồi nợ. Vấn đề còn lại là ở chỗ chấp hành viên…
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Agribank TP Sóc Trăng cho biết: “Bản án có hiệu lực hơn một năm. Agribank thắng kiện mà vẫn chưa thu hồi được nợ của người vay tiền. Do vậy, Agribank TP Sóc Trăng tố cáo bà Tuyết cố tình kéo dài thời gian thi hành án làm thiệt hại về kinh tế của ngân hàng, không thu hồi được vốn của Nhà nước".