Trung Đông năm 2100: Nhiều nơi sẽ 'không còn ai sinh sống'
Thời gian qua thế giới thường xuyên được nghe những thông tin về những hậu quả của biến đổi khí hậu đối với loài người, trong khi ít đưa ra dẫn chứng cụ thể như một báo cáo gần đây cho rằng một số khu vực trên thế giới sẽ “không thể sống được” do hiện tượng này gây nên.
Abu Dhabi nằm trong số các thành phố "không thể sống nổi"
do nhiệt độ quá cao vào năm 2100.
Vượt quá mức chịu đựng của con người
Nghiên cứu được công bố mới đây bởi nhóm nghiên cứu phối hợp thuộc trường ĐH Loyola Marymount và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đưa ra một cảnh báo đáng lo ngại: Biến đổi khí hậu có thể khiến hàng loạt thành phố lớn thuộc các khu vực quan trọng của Trung Đông, khu vực giàu dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư, không còn phù hợp với sự sống của con người nữa.
Điều này có nghĩa rằng con người không thể sống ở những vùng đất này nữa. Và không chỉ bởi hiện tượng tan băng do sự ấm dần của trái đất, mực nước biển tăng cao hay bởi các cơn bão ngày càng trở nên mạnh hơn và xuất hiện thường xuyên hơn…các vùng đất này không thể là nơi sống của con người được nữa bởi nó trở nên quá nóng trong mùa hè.
Theo báo cáo này, trong tình trạng nhiệt độ toàn cầu tiếp tục gia tăng như hiện nay, các khu vực như Vịnh Ba Tư – khu vực vốn đã phải hứng chịu mức nhiệt độ cao bậc nhất thế giới – sẽ là nơi đầu tiên trở thành vùng có nhiệt độ nóng đến mức mà con người không thể sống sót nổi.
Điều này sẽ khiến một khu vực có nền kinh tế vốn dựa chủ yếu vào việc khai thác các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ không còn ai sinh sống, do chính việc khai thác của họ.
Báo cáo trên cho hay, sức nóng không phải điều duy nhất khiến con người không thể sinh sống được ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu…mà là do vấn đề về độ ẩm. Độ ẩm được đánh giá là cực kỳ quan trọng đối với khả năng chịu đựng cái nóng của cơ thể con người.
Các nhà nghiên cứu thuộc MIT cho hay, cơ thể con người phản ứng với cái nóng bằng cơ chế đổ mồ hôi, trong khoa học gọi là quá trình bốc hơi nước để làm mát. Nhưng khi nhiệt độ và độ ẩm trong không khí gia tăng, cơ chế này lại tỏ ra rất kém hiệu quả. Và nó có thể lên đến mức tồi tệ hơn khi cơ thể người không còn khả năng tự làm mát nữa.
Nghiên cứu này tập trung theo dõi nhiệt kế bầu ướt, một loại thiết bị đo tổng hợp nhiệt độ và độ ẩm của không khí. Nhiệt độ của bầu ướt luôn thấp hơn nhiệt độ của không khí xung quanh nó, trừ khi độ ẩm của khí là ở mức 100% tuyệt đối. Các nhà khoa học sau đó sử dụng các mô hình máy tính để quyết định xem giá trị này thay đổi thế nào theo thời gian, khi họ tăng dần lượng khí thải gây hiểu ứng nhà kính.
Áp dụng nghiên cứu này vào khu vực Vịnh Ba Tư, các nhà nghiên cứu đã có thể đưa ra đánh giá về sự thay đổi nhiệt độ của nó trong tương lai…và từ đó đưa ra dự báo về nhiệt độ và độ ẩm không khí của thời điểm mùa hè năm 2100 ở một số thành phố lớn như Dubai hay Abu Dhabi.
Những dự báo về năm 2100
Trong điều kiện thời tiết hiện nay, nhiệt độ của nhiệt kế bầu nước đo được chỉ vượt qua 31 độ C trong những ngày được cho là nắng nóng cực điểm của mùa hè và chưa từng lên đến 35 độ C – mức độ nhiệt bầu nước được cho là nguy hiểm cao độ đối với cơ thể người. Tuy nhiên, báo cáo mới đưa ra dự đoán rằng vào năm 2100, rất nhiều khu vực trên thế giới cùng với Vịnh Ba Tư, như thành phố Dubai, sẽ có mức nhiệt kế bầu nước vào khoảng 31 độ C ngay trong những ngày bình thường, và có thể vượt mức 35 độ C trong những ngày nắng nóng nhất – tức mức nằm ngoài khả năng chịu đựng của con người.
Một số khu vực khô hạn hơn như thành phố Kuwait, nhiệt độ không khí có thể lên đến 60 độ C trong những ngày nắng nóng nhất, dù cho điều kiện không khí khô sẽ giữ cho nhiệt kế bầu nước giữ trong khoảng mà con người vẫn có thể sinh sống được. Có nghĩa, do độ ẩm không cao nên cơ chế làm mát của cơ thể người vẫn hoạt động được, dù sức nóng quá cao.
Tuy nhiên, một số báo cáo trước đây không hoàn toàn đưa ra những dự đoán kiểu “ngày tận thế” như trên.
Trong một báo cáo về Biến đổi khí hậu năm 2013 của Ủy ban Liên chính phủ, cũng sử dụng mô hình máy tính để đo mức tăng nhiệt độ, nhưng kèm theo cả các thông số cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính của các nước trên thế giới, thì cho thấy viễn cảnh tươi sáng hơn. Theo báo cáo này, nhiệt độ trong năm 2100 sẽ không bao giờ vượt quá mức mà con người có thể chịu đựng được.
Hiện nay, 2 bản báo này đang gây được sự chú ý nhiều nhất từ cộng đồng quốc tế, và chúng dự kiến sẽ được đem ra thảo luận kỹ lưỡng hơn khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp ở Paris để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP21) trong tháng 12 tới.