Công trình vi phạm vẫn tiếp tục xây dựng tại di tích Yên Tử

Nhóm PV văn hóa 30/10/2015 06:10

Phớt lờ yêu cầu dừng thi công của TP Uông Bí (Quảng Ninh), cùng Công văn số 6404/UBND- VX1 (ngày 23/10) của UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Uông Bí chủ trì phối hợp với Sở VHTT&DL Quảng Ninh và các đơn vị liên quan xác minh cụ thể những nội dung báo chí phản ánh về việc xâm hại di tích Yên Tử, công trình nhà văn hóa của Cty Tùng Lâm vẫn ngang nhiên xây dựng trong những ngày qua. 

Cho tới hiện tại, công trình của Cty Tùng Lâm vẫn gấp rút thi công, dù đã có lệnh dừng.

Bất chấp dư luận

Ghi nhận tại thực tế của phóng viên, sau 5 ngày kể từ khi đoàn kiểm tra liên ngành của TP Uông Bí yêu cầu Cty Tùng Lâm phải thực hiện nghiêm túc văn bản số 2082/UBND-QLĐT (cụ thể: đề nghị Cty Tùng Lâm tạm dừng thi công công trình, hoàn tất các thủ tục trình các cấp có thẩm quyền), song Cty này vẫn bất chấp dư luận, phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh, quyết hoàn thiện công trình. Điều đáng nói là tại thời điểm kiểm tra (ngày 23/10), Cty Tùng Lâm đã dỡ bỏ điểm sinh hoạt nội bộ của cán bộ Cty và ngừng thi công theo chỉ đạo của UBND TP Uông Bí.

Nhưng sáng ngày 28/10, theo ghi nhận của chúng tôi, việc xây dựng ở công trình này lại vẫn ngang nhiên tiếp diễn, thợ thi công đã kịp lắp đặt cốt pha để đổ dầm bê tông phần mái, giàn giáo vừa được lắp đặt tiếp, sắt thép còn vương vãi. Như chứng kiến, rõ ràng công trình nhà văn hóa của Cty Tùng Lâm đã thành hình hài.

Tại sao lại có chuyện như vậy? Ông Lê Trọng Thanh - Phó Giám đốc Cty Tùng Lâm tha thiết đề nghị các cơ quan truyền thông giúp đỡ Cty để hoàn thành công trình này kịp cho Ngày Giỗ tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông(?!). Như vậy có nghĩa là bằng mọi giá Cty muốn cố gắng hoàn thành công trình trước ngày 30/11.

Theo lý giải của Cty, đây là một công trình đẹp, hợp cảnh quan, điểm dừng chân lý tưởng của du khách về Yên Tử. Sau khi hoàn thành, công trình nhà văn hóa sẽ là nơi thờ Phật và Tam tổ Trúc Lâm. Khi phóng viên hỏi: Tại sao nhất thiết phải đặt ban thờ ở đây, trong khi Yên Tử là Kinh đô Phật giáo, nơi có hàng chục ngôi chùa thờ Phật và Tam tổ Trúc Lâm? Ông Thanh cho rằng, vì cán bộ nhân viên Cty muốn tỏ lòng thành kính với Phật Hoàng. Nếu không đặt Tam bảo ở đây thì Cty không còn chỗ nào nữa…

Xây nhà văn hóa hay xây thêm chùa?

Tìm hiểu được biết, diện tích xây dựng nhà văn hóa Cty Tùng Lâm ước khoảng trên 260m2, rộng gấp gần 5 lần so với nhà ga cáp treo 1. Công trình này được thiết kế như một ngôi chùa với 8 mái cong uốn lượn, choán hết không gian của sân ga cáp treo.

Trao đổi với phóng viên xung quanh vụ việc này, ông Phạm Tuấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí khẳng định: công trình Nhà văn hóa của Cty Tùng Lâm xây dựng không phép. Đây là công trình xây dựng trong vùng lõi của danh thắng Yên Tử phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL; phải được Cục Di sản phê duyệt kiến trúc, công năng. Thế nhưng, Cty Tùng Lâm bỏ qua tất cả các thủ tục này. Dù trước đó, UBND TP Uông Bí đã ban hành Công văn số 2082/UBND-QLĐT yêu cầu Cty báo cáo xin phép UBND tỉnh theo đúng quy định hiện hành.

Chưa kể, trong Văn bản số 212CB-TL, Cty Tùng Lâm xin sửa chữa nhà văn hóa ga cáp treo, nhưng trên thực thực tế, công trình lại được xây dựng mới hoành tráng, kiến trúc hoàn toàn xa lạ, diện tích rộng gấp 5 lần so với công trình cũ.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm với những sai phạm của Cty Tùng Lâm. Nếu Cty không chấp hành chúng tôi sẽ yêu cầu tháo dỡ, trả về nguyên trạng”, ông Đạt cho hay. Cùng với đó, khi phóng viên thắc mắc về việc sai phạm của Cty khi xây dựng cầu suối Giải Oan cách đây 6 năm, khi chưa được cấp phép mà vẫn tồn tại đến nay, ông Đạt “hứa” sẽ cho kiểm tra, nếu Cty chưa có giấy phép thì sẽ có biện pháp xử lý và thông tin sớm với báo chí.

Về vụ việc này, ông Hồ Chí Đức - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cũng cho biết: Sở sẽ phối hợp với chính quyền TP Uông Bí, các đơn vị liên quan xử lý nghiêm những vi phạm của Cty Tùng Lâm đối với công trình nhà văn hóa truyền thống để báo cáo UBND tỉnh đúng thời hạn (trước ngày 5/11 như đã nói ở trên).

Trong các số báo trước, liên quan đến việc xâm hại quần thể di tích – danh thắng Yên Tử - Báo Đại Đoàn Kết đã đặt ra vấn đề, trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi liên tiếp để xảy ra sai phạm trong vùng lõi của di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử. Trong khi phân cấp quản lý di tích và danh thắng trên địa bàn đã được Bộ VHTT&DL giao về cho các địa phương. Chủ trương phân cấp quản lý đã có, nhưng Quảng Ninh hiện chậm trễ trong việc thành lập, kiện toàn các BQL để quản lý di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn.

Dư luận đặt nhiều băn khoăn vì sao một công trình xây dựng sai phép ngay trong lòng di tích Quốc gia đặc biệt, dù đã có quyết định phá bỏ nhưng vẫn ngang nhiên xây dựng? Vì sao một công trình có hình dáng gần giống như một ngôi chùa mới được xây lên mà chính quyền địa phương đến nay vẫn nói rằng “sẽ kiểm tra, sẽ giám sát…”? Như vậy khi công trình hoàn thiện và khánh thành, thì tới thời hạn ngày 5-11 tới đây, BQL di tích cũng như chính quyền TP Uông Bí sẽ báo cáo thế nào với UBND tỉnh Quảng Ninh? Sẽ giải thích thế nào với dư luận về công trình “bất chấp dư luận” này?

Hiện những người quan tâm đến di sản đang trông chờ vào sự nghiêm minh của các cấp chính quyền TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cũng như Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) đối với công trình xây dựng không phép đang xâm hại di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này.

Nhóm PV văn hóa