ASEAN Super League: Ý tưởng hay nhưng liệu có phù hợp
Tại cuộc họp Hội đồng thi đấu Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) vừa diễn ra tại Malaysia, AFF đã quyết định tổ chức ASEAN Super League (ASL) lần đầu tiên vào tháng 8/2016. Mục đích của giải chính là để giúp các CLB ở Đông Nam Á chuyên nghiệp hơn.
Họp Hội đồng AFF lần thứ 2 đã quyết định tổ chức ASEAN Super League lần đầu tiên.
Dành cho những đội bóng giàu
Đến lúc này, mọi thủ tục đăng ký để cho ra đời ASL đã hoàn tất. AFF chỉ còn đợi quyết định cuối cùng của FIFA và nếu không có gì thay đổi, giải đấu sẽ diễn ra vào năm 2016. Dự kiến, sau khi được FIFA cấp phép, các thành viên BTC sẽ trực tiếp làm việc với các LĐBĐ thành viên để tìm hiểu về khả năng tham dự của các CLB. ASL là giải đấu mang tính chất “giao lưu” nhiều hơn là thi đấu đỉnh cao bởi giải không quy tụ đội vô địch và á quân của giải vô địch các nước trong khu vực. AFF thống nhất mỗi quốc gia sẽ cử 1-2 đại diện thi đấu, có thể là CLB trong nước được lựa chọn hoặc một đội bóng được Liên đoàn thành lập riêng. Trường hợp một đội bóng đại diện tham gia sẽ phải có hai đội hình để tránh việc phải cùng lúc thi đấu ở giải quốc gia, giải của AFC và ASL
Ngoài ra, AFF yêu cầu các đội bóng phải cam kết thi đấu ít nhất trong 5 mùa liên tiếp. Trước mắt, Asean Super League dành cho 8 nền bóng đá mạnh của AFF là Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar, Philippines và Australia. Được biết, Ban tổ chức ASEAN Super League sẽ hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, các đội thi đấu vòng tròn hai lượt tính điểm xếp hạng. Như vậy, mỗi CLB sẽ chơi đến 30 trận/mùa kéo dài khoảng 9 tháng.
Trong điều kiện lý tưởng, rõ ràng ASL là cơ hội để các đội bóng trong khu vực giao lưu, học hỏi, cải thiện trình độ, qua đó cũng kiếm được thêm những khoản kinh phí về tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình. Nhưng thực tế, mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ.
Những tiêu chí quan trọng nhất mà ASL đặt ra để mỗi quốc gia góp mặt ở sân chơi này về cơ bản gồm: Đảm bảo số tiền có trong tài khoản là 5 triệu USD (đủ để tồn tại trong ít nhất 5 mùa), cơ sở vật chất và hệ thống CLB đúng tiêu chuẩn… Những yêu cầu đó sẽ chẳng gây khó khăn lớn cho nhiều đội bóng mang danh đại gia ở V - League khi mỗi năm họ đổ số tiền có khi còn lớn hơn nhiều.
Nhưng để duy trì kinh phí, lực lượng để chơi giải quốc nội và nếu có thứ hạng cao sẽ thêm AFC Cup, hoặc AFC Champions League đã và đang là bài toán quá khó với chính họ trong bối cảnh khó khăn hiện tại, nói gì đến việc xây dựng hẳn một đội bóng “mới tinh” cùng khoản kinh phí chẳng hề nhỏ để “bay đi, bay lại” đá League của khu vực.
Giải đấu khó thành hiện thực với các đội bóng ở V-League
Nếu đặt những quy định khá mới về ASL cạnh thực trạng của V-League, thì đó lại là câu chuyện khó với bóng đá Việt Nam mà những bài học cũ vẫn còn chưa nguội. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mà còn chưa có chỗ đứng dù chỉ ở tầm khu vực, nhưng các CLB đã sớm tham gia những Cúp C1, C2 châu Á (tiền thân của AFC Champions League và AFC Cup ngày nay). Nỗ lực ra biển lớn hồi ấy là có thật, nhưng sự hồ hởi sớm bị “dập tắt” bởi những trận thua thảm, quan trọng hơn là gánh nặng kinh phí, lực lượng là quá nặng khiến việc tham dự sân chơi này chỉ còn mang tính nghĩa vụ.
Tương lai gần, VFF dự kiến sẽ đặt vấn đề tham dự giải với những CLB có đủ tiềm năng tài chính như đương kim vô địch V-League Bình Dương, đương kim á quân V-League Hà Nội T&T, HAGL... Tuy nhiên, ngay cả các CLB này cũng tỏ ra e ngại. Ông Nguyễn Tấn Anh – Trưởng đoàn bóng đá HAGL cho rằng: “Phải chờ AFF, VFF làm rõ được các vấn đề về tài chính, điều lệ thi đấu, chất lượng đội bóng tham dự, chất lượng giải đấu, ban tổ chức giải đấu gồm những thành phần nào, hoạt động ra sao… thì mới có thể đưa ra quyết định. Tôi nghĩ, làm gì tốt cho sự phát triển bóng đá nước nhà, phục vụ tốt nhất cho người hâm mộ thì HAGL và các CLB khác đều ủng hộ thôi”.
Chia sẻ với ý kiến của ông Tấn Anh, ông Nguyễn Quốc Hội - Chủ tịch CLB Hà Nội T&T băn khoăn: “Từ nay đến tháng 8/2016 chỉ còn 10 tháng nữa. Nhưng lúc này, mọi thứ vẫn chỉ ở trên “bàn giấy” thì tôi e khó tổ chức được vào đúng hạn định. Từ nay tới cuối năm, chắc VFF cũng sẽ mang ra tham khảo một số CLB hội đủ các điều kiện dự giải. Được đại diện cho quốc gia thi đấu là rất vinh dự, nhưng gấp gáp quá cũng khó cho các CLB. Về kinh phí, tôi nghĩ nếu bằng 1/3 V-League thì các đội còn chơi được. Chứ nếu như dự kiến phải có trong tài khoản ngân hàng 5 triệu USD thì chẳng ai dự đâu. Không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng vậy”.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA bày tỏ: “Nếu như SLNA được phía VFF đặt vấn đề, chúng tôi cũng sẽ cố gắng tham dự. Khúc mắc lớn nhất theo tôi vẫn là vấn đề kinh phí. SLNA và nhiều đội bóng khác để có đủ tiền dự V.League đã khó. Giờ lấy đâu tiền ra đáp ứng khoản tiền để dự ASEAN Super League (dự kiến phải có trong tài khoản ngân hàng 5 triệu USD)” (?!).
Để tham dự ASL buộc phải cần sự chung tay giữa VFF với các CLB. Nhưng xét trên hoàn cảnh thực tế hiện nay, khả năng các đội bóng trong nước “đùn lại” cho Liên đoàn giải đấu này là rất lớn. Nhiều người cho rằng giải đấu này rồi cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ của phần lớn các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như ASEAN Club Championship và sẽ không thành hiện thực.