Không xếp hạng di tích để dễ phá đi xây mới?
Dư luận đang xôn xao về chuyện ngôi trường THPT Châu Văn Liêm - ngôi trường ngót trăm tuổi hiếm hoi của TP. Cần Thơ nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung sắp bị phá để xây mới. Nhưng dù có rất tiếc về việc phá đi một công trình giàu giá trị lịch sử, văn hoá, xét về khía cạnh luật pháp, chúng ta không có chế tài để bảo vệ nó. Nhìn từ góc độ đó thì thậm chí ngay cả cây cầu sắt Long Biên có tuổi đời trên một thế kỷ, giàu ý nghĩa lịch sử văn hoá gắn cũng có thể bị phá đi làm mới bất cứ lúc
Trường THPT Châu Văn Liêm, ngồi trường 98 năm tuổi
1.Ngôi trường THPT Châu Văn Liêm (trước đây mang tên Phan Thanh Giản) có tuổi đời 98 năm. Xét về mặt lịch sử văn hóa, sự hình thành của ngôi trường đã ghi lại một dấu ấn khá đậm nét trong quá trình hình thành và phát triển của Cần Thơ. Quy mô của trường gồm ba dãy nhà ngang, mỗi dãy có hai tầng dài khoảng 75m, rộng 12m; một dãy hành lang có mái che và một nhà hai tầng dài 24m, rộng 9m, có các sân rộng tiếp giáp với các dãy nhà. Về kiến trúc, trường có diện mạo kiến trúc cổ, kết cấu tường chịu lực, mái ngói, sàn bằng gạch hỗn hợp, cửa sổ lá sách truyền thống nhiệt đới đẹp và chuẩn theo lối kiến trúc đặc trưng của thời kỳ này, nằm trong tổng thể kiến trúc đô thị đầu thế kỷ XX.
Ngôi trường được xây dựng từ năm 1917 này từng là nơi hội tụ những nhà giáo yêu nước như: thầy Phạm Văn Bạch, thầy Nguyễn Thượng Tư, thầy Nguyễn Văn Chi, thầy Nguyễn Văn Kiết, thầy Trần Quang Long... Nhiều thế hệ học sinh của trường là chiến sĩ cách mạng, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Châu Văn Liêm, Nguyễn Văn Tây, Tạ Thanh Sơn, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Bửu Kiếm, Ung Văn Khiêm, Lưu Hữu Phước, Lương Định Của, Hồ Văn Lái, Sơn Nam, Viễn Phương, Trần Kiết Tường, Nguyễn Việt Nam, Hồ Bông, Tô Bửu Giám...
Theo Điểm a, Khoản 1 Điều 29 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá, thì di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương, bao gồm: “Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoặc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử”. Vậy trong một địa phương như TP. Cần Thơ thì có bao nhiêu di tích lịch sử cách mạng có giá trị như trường THPT Châu Văn Liêm?. Nếu không có nhiều di tích lịch sử văn hoá giàu giá trị trên địa phương như trường THPT Châu Văn Liêm thì sao trong bao nhiêu năm công trình này không được công nhận là di tích?.
2. Được xây dựng từ tháng 9-1898, cầu Long Biên có tuổi đời 117 năm. Như vậy, theo luật Di sản, cầu được liệt vào hàng “cổ vật”. Nhưng điều khiến ai cũng bất ngờ là cầu Long Biên không phải là di tích lịch sử cấp quốc gia. Điểm a, Khoản 2 Điều 29 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá quy định về tiêu chí để xét công nhận di tích quốc gia là: “Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân, nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học nổi tiếng có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc”. Xét trên tiêu chí này, cầu Long Biên hội đủ các điều kiện để cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ xét công nhận di tích. Trên địa bàn thủ đô Hà Nội có cây cầu nào giàu giá trị lịch sử văn hoá như cầu Long Biên. Và chỉ đến khi cầu Long Biên có nguy cơ bị phá huỷ để xây mới thì dư luận mới ồn ã vì chuyện cầu chưa được công nhận di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Cuối tháng 5-2014, UBND TP. Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất phương án trình Bộ VHTTDL xếp hạng cầu Long Biên là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Thế nhưng, đến nay, vẫn chưa có quyết định xếp hạng di tích cho cầu Long Biên.
Chính vì “bỏ lọt” không xếp hạng di tích cho những công trình kiến trúc, những di sản văn hoá giàu giá trị nên sự sống của những công trình này hết sức mong manh. Nếu ở đô thị thì việc xây dựng còn liên quan tới giấy phép xây dựng chứ ở những địa phương vùng nông thôn thì những công trình này có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào mà không có quy định pháp lý về di sản bảo vệ.
Ngoài ưu đãi “rừng vàng, biển bạc” của thiên nhiên, Việt Nam còn là đất nước giàu có về những di sản văn hoá thế giới (vật thể và phi vật thể), di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia. Đây là nguồn tài nguyên lộ thiên vô giá. Tiếc rằng, chúng ta thu hút du lịch còn kém xa những nước trong khu vực không được thiên nhiên ưu đãi và giàu di sản văn hoá như ta. Vậy thì chúng ta phải ứng xử như thế nào đây với di tích?. Trên nền những di tích cổ đã đổ nát, thậm chí bị san phẳng, chúng ta phục hồi bằng việc xây dựng mới công trình rồi xếp hạng di tích. Điều đó khả dĩ chấp nhận được. Nhưng những công trình còn có thể trùng tu, tu bổ thì chúng ta cần thực hiện chứ không nên phá huỷ xây mới để rồi lại xét xếp hạng. Yếu tố nguyên gốc của di tích là cái cốt lõi cần phải bảo tồn nhất đối với một di tích.
Ý thức về di sản văn hoá từ những biệt thự thời Pháp trên đất thủ đô, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt danh mục các biệt thự xây dựng trước năm 1954 để bảo tồn. Đồng thời Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 Về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Cùng với Luật di sản văn hoá, đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ di sản trước các nguy cơ bị xâm hại.
Trở lại băn khoăn: Tại sao những công trình như cầu Long Biên, công trình kiến trúc trường THPT Châu Văn Liêm lại chưa được xếp hạng di tích?. Theo Khoản 1 Điều 30 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá thì thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích được quy định như sau: “a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh; b. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia, cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia”. Và để có thể xét hồ sơ công nhận di tích, thì cần thực hiện thủ tục theo Khoản 1 Điều 31 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm kê di tích ở địa phương và lựa chọn, lập hồ sơ khoa học để quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh; trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia.
Vậy việc chưa và chậm trễ xếp hạng di tích cho cầu Long Biên và công trình trường THPT Châu Văn Liêm do đâu?. Dư luận gióng lên lên nghi vấn: Không biết do sự lơ là trách nhiệm hay dụng ý của một số cơ quan có thẩm quyền để dễ bề sửa chữa, thậm chí phá đi xây mới công trình này?.