Xóa nghèo ở cuối trời Tây Bắc
Lai Châu, mảnh đất được mệnh danh là cuối trời Tây Bắc. Nơi ấy, mỗi khi nhắc đến, cái làm người ta nhớ nhất và ám ảnh nhất không gì hơn chính là sự đói nghèo. Lai Châu đang rất cần sự chung tay của cộng đồng, để tạo ra những cơ hội và sức bật mới vươn lên. Và trong sự chung tay, tạo sức bật cho đất này trong những năm gần đây, người lính đã vào cuộc.
Đem niềm vui đến cho dân nghèo nơi “cuối trời Tây Bắc”
Nơi ấy có Phong Thổ…
Kiều Thiện, nhà báo luôn được cánh anh em vùng dưới và ngay cả với miền đất Tây Bắc mệnh danh là “sói rừng” vốn là người nặng tình nghĩa với mảnh đất Lai Châu. Vốn xuất thân từ chốn đồng bằng, quê Quốc Oai (Hà Nội), lên Tây Bắc từ những năm ngay sau khi chiến tranh đã qua miền đất này.
Những ngày đầu lên Tây Bắc, Kiều Thiện vốn không kiếm sống bằng nghề làm báo. Nhưng lên, đi, thấy dân đói nghèo, thấy cần phải cho nhiều người nơi khác biết, để họ giúp đỡ, ủng hộ và quan tâm đến miền đất phên dậu này nên anh tập tọe viết lách.
Có duyên với chữ nghĩa, có duyên với đói nghèo nên những bài viết của anh rất có sức nặng và tiếng vang, rồi anh chuyển sang làm báo chuyên nghiệp. Mới đầu là phóng viên báo tỉnh, sau đó làm lãnh đạo và tiếp nữa, với uy tín, anh đã được một báo Trung ương lựa chọn, cất nhắc lên làm Trưởng đại diện của cả một miền biên ải rộng lớn Tây Bắc, trong đó có Lai Châu.
Kiều Thiện tâm sự rất thật lòng: Cũng không đáng trách người dân và các cấp lãnh đạo trên đây. Dân cũng chịu khó đấy, cán bộ tâm huyết cũng đưa ra nhiều kế sách thoát nghèo đấy, nhưng khí hậu thổ nhưỡng nó “nghiệt” quá nên đói nghèo vốn là cái hết sức khách quan với đất này. Do vậy, ngoài nội lực thì Lai Châu cần sự quan tâm rất nhiều của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Ở đất Lai Châu, cũng như mọi người, Kiều Thiện ấn tượng nhất là miền đất Phong Thổ. Miền đất này được coi như một “yết hầu” quan trọng của các cuộc tiến quân và trấn giữ biên cương. Quan trọng vậy, nhưng hiện nay, nghèo đói lại đang là một thách thức với Phong Thổ.
Trong 6 huyện nghèo khó, được xếp vào danh sách “huyện 30A” theo quy định của Chính phủ, Phong Thổ được xếp hạng “á quân”, chỉ đứng sau có… Mường Tè. Hiện nay tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới của Phong Thổ còn lên đến trên 40%. Phong Thổ là huyện biên giới, với 17 xã cùng những cái tên đọc lên đã thấy day dứt như: Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải, Ma Ly Chải, Mồ Sì San, Pa Vây Sử…
Ngoài ra, Phong Thổ còn là xã biên giới với 13 xã giáp ranh cùng gần 100km đường biên giới. Với 102.876 ha đất tự nhiên nhưng nghiệt thay, gần 70% diện tích đất này của Phong Thổ đều có độ dốc lớn, trên 25 độ cả. Nói như vậy để thấy, việc canh tác để lấy lương thực sinh sống là cả một khó khăn, nhiều khi được coi như là một sự thách đố với người Phong Thổ.
Theo Đại tá Phan Hồng Minh - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, một người gắn bó, thuộc địa hình, địa vật của Lai Châu cũng như Phong Thổ thì: Giúp dân vùng phên dậu vươn lên thoát nghèo, để họ an tâm và an cư lại miền phên dậu này hết sức quan trọng. Ngoài canh tác, hướng phát triển kinh tế khả quan nhất miền đất này là chăn nuôi đại gia súc mà trong đó con bò là rất quan trọng.
Cùng gỡ khó cho dân
Dường như biết được nỗi mong muốn của bà con, những người lính đã nhanh chóng vào cuộc. Vì bà con, vì cái sự xóa nghèo cho miền đất “cuối trời Tây Bắc” này, không quản ngại đường sá xa xôi, bằng sự chắt chiu, đóng góp của người lính, gần 100 con bò đã vượt gần 500 km “núi vút trùng ngàn xa” để đến với 100 hộ nghèo 4 xã biên giới đầu tiên được lựa chọn nơi đây. Bò của bộ đội tặng dân đã lên với Phong Thổ, vào với các xã Nậm Xe, Sìn Suối Hồ, Vàng Ma Chải đang được người dân coi như cơ hội giảm nghèo nhanh chóng và bền vững cho mình.
Ông Liều A Long, Trưởng bản Hoàng Liên Sơn 1 (Nậm Xe, Phong Thổ) vui vẻ: Chưa lúc nào đồng bào nơi đây lại được quan tâm nhiều đến như thế. Trên đây đất rộng, cỏ nhiều và rất hợp với bò. Biết vậy, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn mơ không biết bao giờ sẽ đủ tiền để mua lấy một con bò. Khó nó bó cái khôn là ở chỗ đó. Nay, nhờ người lính, người dân đã thực sự có cơ hội để gỡ khó và ló cái khôn cho mình.
Cũng như các xã phên dậu khác, hiện nay bằng tất cả các nỗ lực, từ 70% hộ nghèo khó ban đầu của kì chia tách tỉnh, sau gần 12 năm trời dài đẵng nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở Nậm Xe còn tới gần 40%. Riêng trong đợt này, xã nghèo Nậm Xe đã có 30 hộ gia đình được nhận bò. Như vậy, từ một sự mông lung tìm cớ để thoát nghèo, tới nay 30 hộ dân này đã được thắp sáng lên những niềm vui.
Cũng là một trong 100 hộ dân nhận được nhận bò giống, ông Chẻo Xuân Ngan, Bản nhóm 3, xã Vàng Ma Chải vui vẻ: Nhà mình nghèo lắm. Có mỗi cái nhà là đáng giá thôi. Ruộng nương ít, kiếm đủ ăn cho vợ và 3 đứa con trong năm đã vất vả lắm rồi. Từ trước đến giờ, mình muốn có bò lắm. Nhưng nhà nghèo, thành ra con vật nuôi trong nhà có giá nhất vẫn chỉ là con ngan, con gà mà thôi. Thế nhưng giờ đây, mình đã có bò rồi đấy, đó là món quà nghĩa tình mà những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã tặng.
Theo Đại tá Phan Hồng Minh thì việc tặng bò cho dân của người lính ở Lai Châu là cơ hội để tạo nguồn thu nhập cho dân. Bằng việc nghiên cứu, lựa chọn bò để đầu tư cho dân đã góp phần giảm nghèo bền vững và giúp dân gắn kết thêm nữa với miền đất phên dậu này. Từ khi phát động, chương trình đã được các cán bộ, chiến sĩ quan tâm ủng hộ. Riêng ngay ngày đầu phát động, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã tham gia ủng hộ được trên 370 triệu đồng để mua bò giống cho dân. Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục vận động cán bộ, chiến sỹ, nhân dân tham gia ủng hộ chương trình, góp phần hoàn thành mục tiêu trao tặng 1.000 con bò giống cho 1.000 hộ nghèo biên giới của tỉnh vào cuối năm 2015.
“Trên đây đất rộng, cỏ nhiều và rất hợp với bò. Biết vậy, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn mơ không biết bao giờ sẽ đủ tiền để mua lấy một con bò. Khó nó bó cái khôn là ở chỗ đó. Nay, nhờ người lính, người dân đã thực sự có cơ hội để gỡ khó và ló cái khôn cho mình” - Ông Liều A Long, Trưởng bản Hoàng Liên Sơn 1 (Nậm Xe, Phong Thổ - Lai Châu).