Phụ nữ khuyết tật và cơ hội việc làm
Hôm qua (30/10), tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Phụ nữ khuyết tật với cơ hội việc làm”, do Ban Hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức.
Trao đổi thông tin về việc làm cho phụ nữ khuyết tật.
Hội thảo đặt ra vấn đề chính: Phụ nữ khuyết tật (PNKT) được cho là nhóm yếu thế nhất trong xã hội. Làm thế nào để nhóm yếu thế này có được một công việc phù hợp, được bình đẳng, được hiện thực hóa quyền của người khuyết tật (NKT), trong đó có quyền được có việc làm bền vững, để góp phần phát triển kinh tế đất nước?
Cơ hội nào cho phụ nữ khuyết tật?
Nói về mong muốn có việc làm cho PNKT, bà Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc IDEA chia sẻ: Trước đây theo ý thức hệ phương Đông, người phụ nữ chỉ là cái bóng của đàn ông, là người nâng khăn sửa túi cho chồng. Ngày nay cơ hội của phụ nữ đã thay đổi, xu hướng hiện nay phụ nữ không những quán xuyến tốt mà đảm trách tốt, có thể thành công trong mọi lĩnh vực, cùng các thành viên gia đình lao động sản xuất. PNKT cũng vậy, nhưng họ có rào cản về tình trạng khuyết tật, họ là nhóm yếu thế nhất, ít được chăm sóc sức khỏe, học văn hóa học nghề, hiếm khi được tham gia các hoạt động cộng đồng…
Tuy nhiên, theo bà Oanh, vẫn còn rào cản định kiến trong xã hội, gây hạn chế cho PNKT. Họ đòi hỏi được bảo vệ, được bình đẳng, khát vọng có tiếng nói, mong xã hội có sự công bằng như nhau, hiện thực hóa quyền lợi của người khuyết tật, trong đó có quyền được việc làm.
Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thu Hoài (Học viện Phụ nữ VN) về vấn đề việc làm cho PNKT cho biết: Với 463 mẫu định lượng và 45 mẫu định tính, khảo sát tại 3 tỉnh (Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh) thì có chưa tới 1/3 số PNKT có việc làm. Chúng tôi đi tìm nguyên nhân, tại sao chỉ có 1/3 đi làm việc. Trong số những PNKT đang không có việc làm, có những người đã từng đi làm nhưng bỏ việc vì rất nhiều lí do, và có người chưa từng đi làm.
Họ không đi làm việc do đa số PNKT không tìm được công việc phù hợp với sức khỏe. Họ bị từ chối do hiệu quả công việc không được bằng so với người bình thường. Họ bị kỳ thị, bị cho rằng yếu hơn, lương thấp so với mặt bằng công việc. Có những người thì gia đình không đồng ý cho đi làm…
Cũng theo nghiên cứu, TS Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết: PNKT hiện nay đang chủ yếu làm những công việc tự phát không có tổ chức. Phần đa họ nói không được hướng dẫn, giới thiệu, gia đình tạo điều kiện đến đâu thì làm đến đó, không được đầu tư tốt hơn. Chủ yếu các lao động giản đơn. Phụ nữ trên 40 tuổi thường tự bán hàng, phụ nữ trẻ có thể học nghề nhưng các nghề đào tạo không được bài bản nên chỉ làm rất đơn giản. Theo điều tra, hiện có tới 64,1% PNKT đang làm việc tại nhà, 5,9% làm tại các cơ sở sản xuất tư nhân, 13,2% làm tại Hội Người khuyết tật. Chỉ 1,2% làm tại các cơ sở nhà nước.
Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khuyết tật
Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam: VN là nước đang phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều. Trong đó phụ nữ nghèo và PNKT nghèo chiếm tỷ lệ cao. Hiện nay, NKT chiếm khoảng 6,7 triệu; PNKT chiếm khoảng 3,6 triệu người; PNKT sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Phần lớn họ thuộc hộ nghèo và sống ở nhà tạm.
Bà Trần Quỳnh Trang (Tổ chức lao động quốc tế ILO tại VN) nhận định: Trong nhóm khuyết tật chị em phụ nữ có thiệt thòi hơn, từ việc đi hạn chế nên cơ hội tiếp cận công việc cũng hạn chế. Tuy nhiên ngày nay nhận thức xã hội đã khác hơn, chị em cũng có cơ hội tham gia vào các đoàn thể, tham gia kinh doanh, đi làm… Cũng đã có rất nhiều PNKT trở thành bà chủ, nhà kinh doanh với số vốn hàng tỷ đồng. Đó là tín hiệu mừng cho sự vươn lên của PNKT.
Theo bà Phan Thị Quỳnh Như - Phó trưởng Ban GĐ&XH, Hội LHPN Việt Nam: PNKT thường gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động và tình dục hơn so với những phụ nữ bình thường, các quyền về sức khỏe sinh sản của họ ít được quan tâm và đảm bảo… PNKT cũng chịu nhiều tác động của nghèo đói do các rào cản về giới. Những khó khăn mà PNKT gặp phải cao hơn ít nhất 3 lần so với nam giới và là đối tượng yếu thế cần được bảo vệ.
Mặc dù gặp phải những rào cản trong cuộc sống, nhưng NKT, PNKT luôn có nhu cầu, mong muốn được nâng cao kiến thức, năng lực, hiểu biết để vươn lên khẳng định mình trong xã hội.
Từ tình hình thực tế, Hội LHPN VN đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường năng lực cho PNKT, với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng cho PNKT về quyền bình đẳng của NKT nói chung và PNKT nói riêng.
Để giúp PNKT có công ăn việc làm ổn định tăng thu nhập, từ năm 2010-2015 (theo đề án 295 về đào tạo nghề cho phụ nữ), Hội LHPN các tỉnh/ thành đã triển khai hoạt động dạy nghề cho 4.268 PNKT có khả năng lao động nhưng chưa có việc làm. Chị em đã được học may công nghiệp, thêu, đan, móc tại các cơ sở trung tâm dạy nghề...