Giám đốc WB tại Việt Nam: Đại học Việt - Đức mở ra một thông lệ

Huyền Trang (thực hiện) 31/10/2015 09:01

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết về Chiến lược hỗ trợ Việt Nam “Xây dựng một hệ thống giáo dục đại học nhằm đào tạo ra những sinh viên có thể đáp ứng tốt hơn đòi hỏi mới của nền kinh tế”. Trong đó, việc Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Trường Đại học Việt - Đức khoản vay trị giá 180 triệu USD được đưa ra như một ví dụ cho Chiến lược này.

Giám đốc WB tại Việt Nam: Đại học Việt - Đức mở ra một thông lệ

Bà Victoria Kwakwa.

PV:Thưa bà, được biết, một trong những cột mốc phát triển của Trường ÐH Việt - Ðức (VGU) là khoản vay Ngân hàng Thế giới trị giá 180 triệu USD, được phê duyệt vào tháng 6 năm 2010. Khoản vay này chủ yếu dành cho việc xây mới khuôn viên trường ở tỉnh Bình Dương, tiếp giáp TP Hồ Chí Minh, dự kiến hoàn tất vào năm 2016/ 2017, xây dựng các Trung tâm nghiên cứu… Xin bà cho biết ý kiến của Ngân hàng Thế giới khi phê duyệt món vay lớn này?

Bà Victoria Kwakwa: Một trong những chủ điểm chính trong Chiến lược Đối tác Quốc gia của Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2007 - 2011 đối với Việt Nam là hỗ trợ “xây dựng một hệ thống giáo dục đại học nhằm đào tạo ra những sinh viên có thể đáp ứng tốt hơn đòi hỏi mới của nền kinh tế”. Dự án được đề xuất đã đóng góp trực tiếp vào mục tiêu này bằng cách giúp Chính phủ và các trường đại học đào tạo ra những sinh viên có kiến thức và kĩ năng đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng một cách phù hợp.

Hơn nữa, dự án cũng giúp thiết lập một thể chế thể hiện những mục tiêu đã được đặt ra trong Chương trình Cải cách Giáo dục Đại học của Chính phủ giai đoạn 2006-2020: tự chủ và tài trợ dựa trên kết quả hoạt động nhằm hướng tới cải thiện tiêu chuẩn trong nghiên cứu và giảng dạy cũng như cải tiến các lĩnh vực khác của giáo dục đại học. Cuối cùng, dự án cung cấp công cụ mà Ngân hàng Thế giới có thể mang kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực giáo dục đại học tới giúp Việt Nam thực hiện chương trình cải cách.

Dự án Mô hình Đại học Mới (NMUP) là một bộ phận không tách rời trong chương trình hỗ trợ giáo dục đại học hiện nay của Ngân hàng Thế giới và đây cũng là ưu tiên chính của Chính phủ nhằm tạo xúc tác cho cải cách tiếp theo. Dự án sẽ xây dựng một trường đại học khoa học và công nghệ mới, đào tạo ra các sinh viên có trình độ cao đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Quan trọng hơn, dự án cũng thử nghiệm những cải cách đang thực hiện, nêu các bài học kinh nghiệm cho các trường đại học khác trong quá trình tăng cường tự chủ về quản trị, tài chính và chất lượng.

Chúng ta cũng cần xem xét dự án trong bối cảnh Chính phủ đang mong muốn hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, ví dụ Đức, Pháp, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, ADB, Anh, Hoa Kỳ và Nga. Mỗi đối tác được kỳ vọng hỗ trợ xây dựng các trường đại học công lập và mỗi trường đó lại thử nghiệm một mô hình tùy theo từng đối tác cụ thể nhưng đều được tự chủ nhiều hơn so với một trường đại học điển hình của Việt Nam hiện nay.

Bà đánh giá thế nào về kết quả hoạt động của nhà trường kể từ khi thành lập đến nay?

- Năm nay là năm thứ 8 kể từ khi Trường Đại học Việt - Đức được thành lập. Từ đó đến nay nhà trường luôn tuyển sinh 11 chuyên ngành đào tạo cử nhân và thạc sĩ. Trong năm học 2015-2016, nhà trường có 1.188 sinh viên. Tính đến nay, 215 sinh viên đã tốt nghiệp. 60% sinh viên tiếp tục học lên, số còn lại được tuyển dụng bởi các công ty hàng đầu.

Hàng năm, nhà trường đã sử dụng tiêu chuẩn Đức với sự hỗ trợ của 36 đối tác là các trường đại học Đức và trên 100 giáo sư người Đức nhằm cung cấp giáo dục chất lượng cao cho sinh viên đã đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe. Nhà trường cũng duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp thông qua các chương trình học bổng, hợp tác nghiên cứu, dạy nghề, mời các giáo viên thỉnh giảng đến giảng dạy và cung cấp các cơ hội nghề nghiệp.

Cho đến nay Trường Đại học Việt - Đức đã thực hiện 14 dự án nghiên cứu bao gồm kĩ thuật điện toán, phát triển đô thị bền vững, hệ thống thông tin doanh nghiệp, giao thông vận tải, kinh tế học và quản lí. Ba dự án nghiên cứu trong số các sáng kiến này được Quĩ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ.

Tuy đạt được thành tích trong lĩnh vực quản lí đào tạo như vậy nhưng việc áp dụng mô hình quản trị và tạo nguồn kinh phí mới trong các trường đại học công lập vẫn còn nhiều khó khăn. Điều này bởi vì đây là mô hình mới với yêu cầu đáng kể về xây dựng năng lực.

Ngân hàng Thế giới có thường xuyên theo dõi tiến bộ của dự án này không và có cùng với nhà trường xây dựng một mô hình mới không?
- Nhóm công tác của Ngân hàng Thế giới thực hiện hai chuyến công tác mỗi năm nhằm hỗ trợ thực hiện dự án. Trong các chuyến công tác đó chúng tôi gặp gỡ với Ban Giám hiệu, tập thể giáo viên và sinh viên nhằm thảo luận và hỗ trợ xây dựng qui chế, hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu và xây dựng cơ sở vật chất hiện đại. Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo rằng nhà trường nhận được sự hỗ trợ về chính sách và thực hiện khi cần.

Đây là một mô hình đại học mới hợp tác với đối tác nước ngoài, có cơ sở vật chất hiện đại và cấp chứng chỉ nước ngoài. Bà có cho rằng mô hình này là cần thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay hay không?

- Dự án đại học mô hình mới (NMUP) giúp Chính phủ xây dựng trường đại học tự chủ dựa trên nghiên cứu nhằm thực hiện Chương trình Cải cách Giáo dục. Thông qua cách tiếp cận này, dự án hướng tới đóng góp vào việc thực hiện thành công chương trình cải cách. Ví dụ, trong lĩnh vực quản lí tài chính và tạo nguồn bền vững, nhiệm vụ của Đại học Việt - Đức là phải xây dựng được một hệ thống phù hợp mà các trường khác có thể làm theo và nhân rộng. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng đồng bộ trong toàn trường, thể hiện thông lệ tốt nhất.

Thưa bà, Ngân hàng Thế giới có dự định tiếp tục hỗ trợ các trường đại học theo mô hình mới tại Việt Nam không?

- Dự án có thể cung cấp nền tảng quí báu về việc thực hiện liên tục chương trình cải cách mang tới sự cải tiến sâu sắc hơn về chất lượng. Ngoài ra, tiêu chuẩn cao của nhà trường được kỳ vọng là sẽ khích lệ các trường khác phấn đấu noi theo. Ngân hàng Thế giới có thể đồng hành cùng với giai đoạn tiếp theo này.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ tiếp tục của Ngân hàng Thế giới còn phụ thuộc vào các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn bà!

Huyền Trang (thực hiện)