Cháy rừng ở Indonesia và thảm họa khu vực

Khánh Duy 31/10/2015 08:46

Chính phủ các nước Indonesia, Singapore và Malaysia đang phải hết sức vất vả để chống chọi lại tình trạng khói độc hại dày đặc do việc đốt rừng để lấy đất sản xuất các sản phẩm giấy, bột giấy và dầu cọ tại một số đồn điền nằm trên đảo Sumatra và Kalimantan của Indonesia.

Cháy rừng ở Indonesia và thảm họa khu vực

Hàng triệu người dân trong khu vực bị ảnh hưởng đang
phải sống trong tình trạng khói độc dày đặc.

Tình trạng khói độc đã diễn ra trong nhiều tuần qua và nay đã trở thành một thảm họa được Cơ quan Địa vật lý, khí tượng và khí hậu học của Indonesia (BMKG) mô tả như một “tội ác đối với nhân loại”. Khói độc hại khiến rất nhiều trường học phải đóng cửa, giao thông công cộng ngừng trệ và hơn nửa triệu trường hợp nhiễm độc đường hô hấp tính từ hồi tháng 7 đến nay.

Vấn nạn đốt rừng diễn ra hàng năm ở Indonesia thường gây nên một làn khói độc hại dày đặc, trải khắp một vùng rộng lớn ở khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên tình trạng khói bụi năm nay lại được coi là tồi tệ nhất trong suốt 20 năm qua. Đa phần các đám cháy rừng gây nên thảm họa này bắt nguồn từ việc các đồn điền chặt hạ và đốt rừng trái phép để lấy đất canh tác.

Trong khi lượng mưa đã giúp giảm nhẹ cháy rừng ở một số khu vực bị ảnh hưởng trên đảo Sumatra và Kalimantan, thì một số khu vực khác ở miền Trung Kalimantan lại chịu ảnh hưởng nặng nề. Cháy rừng còn làm xuất hiện khoảng 300 “điểm nóng” – những khu vực có nhiệt độ nóng hơn nhiệt độ mặt đất thông thường - ở Kalimantan, một số nơi ở Sumatra và cả đảo Sulawesi.

Chỉ số ô nhiễm tiêu chuẩn (PSI) ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã lên tới 2.000. Được biết, PSI vượt qua mức 300 đã được coi là nguy hiểm đối với con người. Thế nhưng hiện nay có khoảng 43 triệu người hàng ngày vẫn tiếp xúc với làn khói độc hại này, trong khi hàng trăm người khác bị mắc các chứng liên quan tới đường hô hấp do ảnh hưởng từ nó - theo Jakarta Globe.

Khói độc hại cũng khiến 19 người thiệt mạng, theo Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội Indonesian, bà Khofifah Indar Parawansa. Người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ tiếp tục được chính quyền cho đi sơ tán.

Indonesia hiện đang là quốc gia sản xuất dầu cọ đứng đầu thế giới, tuy nhiên ngành công nghiệp này liên tục bị chỉ trích là gây ảnh hưởng đến môi trường và hủy hoại môi trường sống hoang dã; ngay cả trước khi xảy ra thảm họa khói độc do cháy rừng.

Do xảy ra trùng thời điểm mà hiện tượng El Nino đang hoành hành, cháy rừng ở Indonesia năm nay đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Tính từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 100.000 đám cháy lớn nhỏ đã được phát hiện ra, và đương nhiên hậu quả của nó đã quá rõ ràng.

Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây cũng cung cấp một số bức ảnh vệ tinh chụp lại tình trạng đáng lo ngại của đám cháy rừng và khói độc bắt nguồn từ Indonesia. NASA cũng cảnh báo rằng có khả năng tình trạng khói độc sẽ còn trở nên tồi tệ hơn, trong khi chưa thể cải thiện được tình hình.

“Các bộ cảm ứng phổ kế bức xạ độ phân giải trung bình (MODIS) trên vệ tinh Terra và Aqua của chúng tôi đã phát hiện ra các đám cháy ở khu vực phía Nam đảo Sumatra kể từ đầu tháng 9” – NASA tuyên bố trên website chính thức.

Giới khoa học thuộc NASA cũng dự báo rằng ngọn lửa sẽ tiếp tục cho đến khi mùa mưa bắt đầu vào khoảng cuối tháng 10. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng mùa khô ở Indonesia có thể kéo dài hơn bình thường trong năm nay do ảnh hưởng mạnh mẽ từ hiện tượng El Nino trên biển Thái Bình Dương.

Đứng trước các dự báo không mấy khả quan, chính quyền Indonesia mới đây đã triển khai một số tàu hải quân, trong đó gồm một tàu khu trục cứu thương cùng một bác sỹ chuyên ngành hô hấp, đến cảng Banjarmasin ở miền Nam Kalimantan. Đoàn tàu hải quân này dự kiến có thể sơ tán khoảng 2.000 người trong trường hợp cần thiết.

Khánh Duy