Xử lý nghiêm doanh nghiệp xây dựng trái phép tại di tích Yên Tử
Hy vọng, khi đã chỉ ra được sai phạm cố tình xây dựng không phép của Công ty Tùng Lâm tại di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, cơ quan hữu trách sẽ xử lý thật nghiêm những vi phạm của doanh nghiệp này.
Công trình xây dựng không phép của Cty Tùng Lâm.
Liên tiếp trong các số ra gần đây, Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh về tình trạng xâm phạm di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử. Tại số báo 303 (ra ngày 30/10), chúng tôi đã ghi lại hình ảnh dù đã bị “tuýt còi”nhưng công trình này vẫn tiếp tục xây dựng.
Cty Tùng Lâm phạm lỗi “tiền trảm hậu tấu”
Chiều tối qua (30/10), Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh đã tổ chức họp báo xung quanh công trình xây dựng của Cty Tùng Lâm tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử.
Trước khi diễn ra cuộc họp, ông Hồ Chí Đức- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ninh cho hay, tinh thần của cuộc họp là để thông tin với báo chí rằng khu vực cải tạo, sửa chữa của Cty Tùng Lâm là nằm trong khu vực 2 chứ không phải khu vực 1 (căn cứ vào Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 18/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ).
Theo đó, sau khi có thông tin về việc Cty Tùng Lâm có sửa chữa, cải tạo lại khu nhà thì Sở cũng đã tổ chức đoàn liên ngành đến kiểm tra. Trao đổi với báo chí, ông Đức cho biết, khu vực này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt làm hệ thống cáp treo, nhà làm việc của Cty và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy việc Cty có tu sửa công trình đã xuống cấp là bình thường.
Và trong việc xây dựng công trình nhà văn hóa vừa rồi, Cty Tùng Lâm chưa trình hồ sơ dự án, chưa được cấp phép xây dựng. Như vậy, sai phạm của Cty Tùng Lâm là chưa được phép xây dựng mà đã triển khai công trình. Hiện tại, các cơ quan chức năng đã yêu cầu phía Cty dừng thi công công trình và hoàn thiện hồ sơ xin phép xây dựng theo quy định.
Chỗ này cũng xin nói rõ, theo quy định tại văn bản trên của Thủ tướng thì các công trình xây dựng tại vị trí này phải có kiến trúc hài hòa với khu vực, mật độ xây dựng đảm bảo các qui định. Tuy nhiên việc xây dựng phải được cấp phép.
Cơ quan chức năng chậm vào cuộc
Trước đó, chúng tôi đã đề cập nhiều tới vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc chậm vào cuộc xác minh những sai phạm về xây dựng đang diễn ra trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử.
Cũng trong buổi sáng ngày 30/10, phóng viên Đại Đoàn Kết đã liên hệ với các đơn vị chức năng của Bộ VHTT&DL, song các đơn vị này đã đá “quả bóng” trách nhiệm qua lại lẫn nhau.
Ông Phan Đình Tân- người phát ngôn Bộ cho hay: Về di tích Yên Tử, đã có cơ quan báo chí hỏi và chúng tôi đã bảo phải hỏi anh Hùng- Cục Di sản rồi. Vì thế nên gọi sang chỗ anh Hùng.
Tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Thế Hùng- Cục trưởng Cục Di sản, thì nhận được câu trả lời: “Cái này chúng tôi chưa biết được đâu, chưa nói được. Gọi sang Thanh tra đi”.
Liên lạc với ông Vũ Xuân Thành- Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL, ông Thành cho biết: Hiện Bộ VHTT&DL chưa xuống làm việc trực tiếp với Quảng Ninh về vấn đề này. “Không biết là Cục Di sản đã đi chưa, chúng tôi cũng không nắm được”.
Khi phóng viên hỏi: Nếu xác định là Cty Tùng Lâm có vi phạm, Bộ sẽ sẽ xử lý theo hướng nào? Ông Thành cho biết: Bao giờ có kết quả thì Thanh tra sẽ có thông báo với báo chí. Còn hiện nay bộ phận Thanh tra của Bộ VHTT&DL mới đang yêu cầu dưới đó báo cáo lên, để xem họ báo cáo thế nào đã.
Ông Thành cũng cho hay mấy ngày qua Thanh tra có theo dõi báo chí nên có nắm được những thông tin xung quang vi phạm của Cty Tùng Lâm qua các phương tiện truyền thông. Nhưng ông vẫn nhấn mạnh: Việc xác định mức độ vi phạm và có kết luận doanh nghiệp xây dựng xâm phạm di tích hay không vẫn còn phải chờ kết luận.
Như đã đưa tin, theo tinh thần Công văn số 6404/ UBND- VX1 của UBND tỉnh Quảng Ninh (ký ngày 23/10), Sở VHTT&DL Quảng Ninh sẽ phải phối hợp với chính quyền TP Uông Bí, các đơn vị liên quan xử lý nghiêm những vi phạm của Cty Tùng Lâm đối với công trình nói trên và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5/11.
Hy vọng, khi đã chỉ ra được sai phạm cố tình xây dựng không phép, cơ quan hữu trách sẽ xử lý thật nghiêm những vi phạm của doanh nghiệp này. Tránh xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ” khiến doanh nghiệp dễ nhờn thuốc, và dư luận không “tâm phục khẩu phục”.