Phim tài liệu: Kéo khán giả bằng sự chân thực và tình người
Lửa thiện nhân - một bộ phim đang được dư luận nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây, là trong số ít những bộ phim tài liệu làm được cái việc cực khó là kéo được khán giả đến rạp.
Cảnh trong phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.
Có thể nói, phim đã được thắp lên trong lòng của không ít khán giả, đồng thời, nó cũng thêm một lần thắp lên niềm tin cho những nhà làm phim, rằng, phim tài liệu hoàn toàn có thể ra rạp, lay động khán giả bằng chính những câu chuyện thấm đẫm tình người, thấm đẫm hơi thở cuộc sống.
Còn nhớ trước đây, phim tài liệu gây chấn động, kéo được khán giả đến rạp là “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy.
Ra đời năm 1985, trong bối cảnh xã hội đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhiều giá trị bị đảo lộn, “Chuyện tử tế” với cái nhìn chân thực, tính triết lý sâu sắc đã phải rất khó khăn mới đến được khán giả, sau khi gây ra không ít phiền toái cho người sinh ra nó.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, tính đến nay, điện ảnh tài liệu Việt Nam hiếm có bộ phim nào được công chúng trong và ngoài nước đánh giá cao như “Chuyện tử tế”.
Cách đây ít ngày, trong buổi tọa đàm kỷ niệm 30 năm bộ phim tài liệu này, nhà báo Đào Lê Bình – nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô nhận định: “Bộ phim đã động chạm đến vấn đề nhân loại, thuộc tính của con người, cho thấy đã là chuyện tử tế sẽ không biên giới, không có tuổi…”.
Còn đạo diễn Trần Văn Thủy đã chia sẻ: “Phim tài liệu không có phi ngựa, bắn súng, không có... yêu đương gì cả nhưng người ta vẫn ngồi xem nếu nó phản ánh hiện thực và có sự hấp dẫn nhất định”.
Sau “Chuyện tử tế”, các nhà làm phim tài liệu VN bắt đầu nhận ra sức mạnh của phim tài liệu, thế nhưng, vì nhiều lý do, hầu hết những bộ phim sản xuất ra vẫn chủ yếu được dùng để “lấp sóng” cho các kênh truyền hình, hiếm có bộ phim nào đủ sức ra rạp. Bẵng đi đến gần đây, khán giả lại nhận ra có một sự trỗi dậy của thể loại phim tài liệu, mà cụ thể là thể loại phim hiện thực, một dòng phim khai thác đời sống thực tế, được các nhà làm phim độc lập thực hiện.
Hồi tháng 5/2015, dư luận bất ngờ vì cơn sốt vé phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Bộ phim hút khách bởi nó đã chạm đến một góc khuất nhưng đầy nhức nhối của xã hội đương đại, đó là vấn đề giới tính thứ 3.
Bộ phim đã khiến người xem xúc động bởi những chi tiết, những khoảnh khắc rất đời thường, rất riêng tư mà nếu không kỳ công, không lấy được niềm tin của nhân vật, không cảm thông đến tận cùng những nỗi đau của họ thì không bao giờ có được.
Từ những năm 20 của thế kỉ trước, các bậc thầy của điện ảnh Xôviết cũng đã gọi phim tài liệu là Điện ảnh mắt hay Điện ảnh sự thật, nghĩa là bản chất của phim tài liệu là chỉ có sự thật và sự thật, không hư cấu, không dàn dựng, không có sự xuất hiện của diễn viên.
Thực tế cho thấy, những phim như “Chuyện tử tế”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” hay “Lửa thiện nhân” thành công trước hết vì đã mang đến cho khán giả một câu chuyện thật với những hình cảnh chân thực. Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở đó, phim tài liệu hay còn phải nâng sự thật lên tầm triết lý, nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của câu chuyện, tác động mạnh mẽ tới người xem.
Ví dụ như ở “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, nhiều khán giả đã có sự đồng cảm, từ đó thay đổi hẳn cách nhìn của họ đối với những người thuộc giới tính thứ 3.
Tương tự như vậy, nếu chỉ dừng lại ở câu chuyện của Thiện Nhân, bộ phim “Lửa thiện nhân” đã không có sức lan tỏa như thế. Lòng nhân ái vô bờ bến của GS Đinh Tuệ (Việt kiều Mỹ), ông Greig Craft (Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á), bác sĩ Roberto (Ý) với đôi tay vàng, nhà báo Lee (Singapore)… đã mở ra những cánh cửa mới cho nhiều số phận bất hạnh khác nhau.
Với những gì đang diễn ra trong đời sống văn nghệ hiện nay, có thể thấy, chúng ta còn đang thiếu rất nhiều những bộ phim tài liệu hay, gây được hiệu ứng dây chuyền trong xã hội. Sẽ là bao giờ nếu không phải bây giờ, chúng ta cần lưu lại những thước phim tư liệu về con người, về cuộc sống và những đổi thay lớn lao của đất nước, trong những bước chuyển hội nhập không thể cưỡng lại.
Nếu không lưu giữ được, đến một ngày lại phải mất tiền đi mua lại của những hãng phim nước ngoài những thứ của chính chúng ta. Như thế chẳng phải đáng buồn lắm sao?