Thượng tọa Thích Thanh Quyết: Sớm cụ thể hóa chính sách tôn giáo của Đảng thành chính sách, pháp luật
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; trong đó, đã tập trung nhiều vào vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn kết toàn dân tộc. Ở giác độ của mình, Thượng tọa Thích Thanh Quyết muốn tham góp thêm với mục đích làm sâu sắc hơn vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc trong dự thảo Báo cáo.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN,
Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
1. Phần "Phương hướng, nhiệm vụ" của mục "XII- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" ở trang 38, 39, 40 của dự thảo Báo cáo Chính trị chuẩn bị còn quá khái quát, thiếu một số định tính và định lượng đối với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì đây là Văn kiện chỉ đạo cho một nhiệm kỳ 5 năm nên rất cần cụ thể hóa được định tính và có định lượng. Tôi xin đề nghị bổ sung thêm vào phần chính sách đối với các giai tầng xã hội một số nội dung sau:
- Phần đối với Giai cấp công nhân, bổ sung: cần có chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh việc trí thức hoá giai cấp công nhân.
- Phần đối với giai cấp nông dân, bổ sung: Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, chủ trang trại hợp tác với nông dân để phát triển sản xuất theo hướng thị trường, ổn định và nâng cao đời sống.
- Phần đối với đội ngũ trí thức, bổ sung: Khuyến khích các hoạt động giao lưu, hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học giữa các nhà khoa học trong nước với nước ngoài, nhất là với các nước công nghiệp phát triển để nhanh chóng nâng trình độ của trí thức trong nước lên ngang tầm khu vực và quốc tế.
- Phần đối với đội ngũ doanh nhân, bổ sung: Có chính sách hỗ trợ để doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư trong nước và ở nước ngoài; nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng, giữ gìn và phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam ở trong và ngoài nước.
- Phần đối với thế hệ trẻ, bổ sung: Tăng cường tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
- Phần đối với phụ nữ, bổ sung: Thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới, các chính sách và cơ hội về học tập, việc làm và thu nhập. Xoá bỏ cơ bản tình trạng mù chữ và bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán lạc hậu đối với phụ nữ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng và phát huy các truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam phù hợp với điều kiện mới.
- Phần đoàn kết các dân tộc, bổ sung: Chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của những người tiêu biểu có uy tín trong các dân tộc thiểu số. Chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc.
- Phần tín ngưỡng, tôn giáo, cần bổ sung một số luận điểm mới về vai trò của tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhìn nhận các tôn giáo là nguồn lực quan trọng, là sức mạnh mềm để phát triển bền vững. Cụ thể phần này cần bổ sung là: "Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy những giá trị tốt đẹp và nguồn lực của của các tôn giáo trong đoàn kết xã hội, phát triển bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sớm thể chế hoá các chủ trương chính sách tôn giáo của Đảng thành các chính sách, pháp luật cụ thể để phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia phát triển hoạt động an sinh xã hội, xã hội hoá các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường, cung cấp một số dịch vụ công...
- Phần Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, bổ sung: Thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân, do dân và vì dân...
2. Phần "Phương hướng, nhiệm vụ" của mục "XIII- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân" ở trang 41, 42 của Báo cáo Chính trị cần bổ sung thêm một số nội dung sau: "Đảng, Nhà nước sớm thể chế hóa, ban hành các chính sách, pháp luật để thực hiện tốt một số quyền cơ bản của công dân như quyền được thông tin, quyền lập hội, biểu tình, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia xây dựng Đảng, quyền giám sát và phản biện xã hội".
3. Phần "Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận" của mục "XV- Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng", ở trang 52, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ "nghiên cứu, phát triển" vào sau cụm từ: "đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh" thành: "... bổ sung, phát triển và tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... " vì với bất cứ học thuyết nào, nếu không thường xuyên bổ sung, phát triển các nội dung mới cho phù hợp với thời đại thì sẽ bị thực tiễn vượt qua, không thể trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động và chỉ đạo thực tiễn được.