Phạt học sinh

Vĩnh Xuân 01/11/2015 09:05

Với người lớn, nhất là giáo viên và những người làm cha, làm mẹ cần nắm được nguyên tắc tối thượng: Trong bất kì việc phạt nào cũng cần bắt đầu bằng việc tìm hiểu nguyên nhân, chớ vội áp đặt hay có định kiến với trẻ. 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Theo ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh - Sinh viên (Bộ Giáo dục & Đào tạo), Thông tư 08 hướng dẫn khen thưởng, kỷ luật học sinh có từ năm 1988 tới nay đã bộc lộ nhiều bất cập, có những chi tiết không phù hợp về quy phạm pháp luật. Hiện Bộ GD-ĐT đang tiến hành các hội thảo nhóm lấy ý kiến các trường, các địa phương. Nhiều ý kiến góp ý cho rằng nên bỏ hình thức phê bình học sinh trước toàn trường vì phản giáo dục, làm ảnh hưởng tâm lý các em. Đón nhận thông tin này dư luận xã hội tỏ ra đồng tình.

Có lẽ các bậc phụ huynh đều tán thành quan điểm của một chuyên gia giáo dục cho rằng: Khi học sinh đến trường, các em học tập, sinh hoạt trong tập thể lớp học và tập thể trường học với những nội qui, qui định nhằm giúp học sinh học tập và rèn luyện nhân cách. Những qui định này tương tự như pháp luật trong xã hội mà mỗi công dân phải tuân theo. Vậy thì, nếu học sinh làm trái, vi phạm những nội quy, quy định của nhà trường thì phải bị phạt ở mức độ nào đó. Song quan trọng là cách phạt.

Xin kể ra đây một tình huống cư xử thiếu khéo léo của một cô giáo khiến sự việc suýt bị đẩy đến mức nghiêm trọng. Ấy là chuyện một nam học sinh lớp 7 đi dép lê đến trường trong khi quy định của nhà trường là học sinh phải mặc đồng phục và đi dép quai hậu. Khi cô giáo phát hiện sự việc đã lập tức mắng nhiếc, yêu cầu em học sinh này bỏ dép ra khỏi chân, đồng thời cô ném đôi dép vào thùng rác trước mặt nhiều học sinh. Sau đó gọi cho phụ huynh tố tội cậu con trai.

Khoảng 20 phút sau, giữa trời nắng chang chang, cha cậu học sinh nhễ nhại mồ hôi tất tả mang đôi dép quai hậu đến trường cho con. Việc làm của ông thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của một người cha. Tuy nhiên, gặp con, trước mặt cô giáo, người cha không kìm được sự bực tức đã phang mạnh đôi dép vào mặt con làm cậu bé tím mặt ngã xuống đất. Khi ấy, nếu không may xảy ra chuyện … ai là người chịu trách nhiệm?

Chứng kiến sự việc cô giáo vô cùng hoảng hốt và ân hận. Giá như cô bình tĩnh và thấu hiểu nghe trình bày của học sinh rằng em bị mồ hôi chân mà chất liệu dép lại không phù hợp, thường gây ra mùi khó chịu làm ảnh hưởng đến các bạn trong lớp nên thi thoảng em thay đổi dép.

Và cũng giá như cô giáo biết rằng bố học sinh làm nghề xe ôm, đứng lề đường chói chang nắng để đón khách (có thể từ sáng sớm đến lúc cô gọi kể tội con chưa có một vị khách nào thuê, hay cũng có thể đang trên đường chở khách) làm sao có thể kiềm chế được sự cáu giận bột phát khi nghe tin con mắc khuyết điểm và đang phải đi chân đất… thì sự việc đã không nghiêm trọng như vậy.

Thiết nghĩ, với người lớn, nhất là giáo viên và những người làm cha, làm mẹ cần nắm được nguyên tắc tối thượng: Trong bất kì việc phạt nào cũng cần bắt đầu bằng việc tìm hiểu nguyên nhân, chớ vội áp đặt hay có định kiến với trẻ.

Vĩnh Xuân