Hiện đại hóa nông nghiệp, hình thành các HTX kiểu mới
Ngày 1/11, phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Hiện đại hóa nông nghiệp, hình thành các hợp tác xã kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô Hà Nội và xuất khẩu, đó có thể là những giải pháp quan trọng cho sự thay đổi có tính cách mạng trong nông nghiệp của Hưng Yên.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc với 332 đại biểu đại diện cho hơn 63 ngàn đảng viên trong toàn Đảng bộ. Dự Đại hội còn có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Tăng thu nhập để nông dân không bỏ ruộng
Báo cáo chính trị do Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Thế Cường trình bày trước Đại hội nêu rõ trong nhiệm kỳ vừa qua kinh tế Hưng Yên tăng trưởng ở mức khá 7,8%/năm, bằng 1,3 lần bình quân của cả nước, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 2,4 tỷ USD, gấp 2,4 lần mục tiêu. Toàn tỉnh có 263 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 66% so với đầu kỳ, là tỉnh thứ 6 của cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng là 51%.
Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu chỉ đạo Đại hội, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh và biểu dương những thành tích quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đạt được trong những năm vừa qua.
Đối chiếu với Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Đại hội quan tâm làm rõ 3 vấn đề lớn nhất về kinh tế của Hưng Yên.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Hưng Yên vẫn là tỉnh thu nhập dưới bình quân cả nước, song năm 2020 phải đạt bằng bình quân cả nước. Đây là thách thức hết sức lớn lao. “Nếu không có một hệ thống các giải pháp đặc biệt thì mục tiêu GDP đầu người của Hưng Yên năm 2020 bằng bình quân cả nước sẽ khó khả thi” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ, Báo cáo chính trị của Đại hội 18 Đảng bộ Hưng Yên không có đánh giá năng suất lao động thời kỳ 2011-2015 của tỉnh nhà và cũng không có chỉ tiêu năng suất lao động cho giai đoạn 2016-2020. Nên bổ sung chỉ tiêu năng suất lao động của tỉnh giai đoạn 2015-2020, giám sát năng suất lao động nông nghiệp, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ hằng năm.
Để thoát nghèo và có mức sống ngày càng cao, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Hưng Yên cần phải tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Mặc dù nông nghiệp của Hưng Yên đã đạt được nhiều tiến bộ trong giai đoạn 2011-2015, song so với lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, năng suất lao động nông nghiệp còn rất thấp, đời sống nông dân vì thế còn nhiều khó khăn.
Phân tích đóng góp của nông nghiệp vào tổng sản nội địa của tỉnh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ ở Hưng Yên, 5 người làm nông nghiệp thì mới tạo ra giá trị gia tăng bằng 1 người làm công nghiệp hoặc dịch vụ, còn bình quân cả nước là 3 người. Đây chính là 1 nguyên nhân khiến người nông dân bỏ ruộng và tìm việc làm trong công nghiệp và dịch vụ. Tài nguyên đất, vốn quý của đồng bằng sông Hồng và cả nước sẽ có nguy cơ bị bỏ phí ở Hưng Yên.
“Làm sao thay đổi được tình trạng này, làm sao tăng được thu nhập làm nông nghiệp ở Hưng Yên? Lời giải cho bài toán này chúng ta đã biết, vấn đề là phải làm triệt để, quyết liệt, làm với trí tuệ và trách nhiệm chính trị cao nhất.” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.
Từ đó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Hưng Yên cần chuyển từ trồng lúa năng suất và hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi con gì hiệu quả cao với điều kiện của Hưng Yên. Cùng với đó chuyển nhanh, dứt khoát từ hộ sản xuất riêng lẻ sang có hộ sản xuất liên kết trong mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012 hoặc liên kết với doanh nghiệp. Trên cơ sở các điển hình hợp tác xã kiểu mới ở tỉnh và các địa phương khác, đã được Ban Bí thư tổ chức tổng kết tháng 9/2015 vừa qua, Hưng Yên cần quyết liệt vận động, hỗ trợ để đa số nông dân tham gia các hợp tác xã kiểu mới. Cần thành lập các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để giảm chi phí đầu vào cho từng hộ xã viên do mua được các đầu vào như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi chất lượng cao nhưng giá lại thấp hơn là mua ở thị trường bán lẻ, để hỗ trợ giúp chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, vay vốn và tiêu thụ sản phẩm.
Vấn đề thứ 3 về kinh tế của Hưng Yên theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân là Báo cáo chính trị của Đại hội 18 Đảng bộ tỉnh Hưng Yên chưa đề cập, chưa kiểm điểm việc thực hiện 3 nội dung rất quan trọng mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã xác định là: thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược (đột phá về thể chế kinh tế thị trường, đột phá về phát triển nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, đột phát về phát triển hạ tầng), thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế (tái cơ cấu ngân sách và đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các ngành kinh tế).
“Phần mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển 2016-2020 trong Báo cáo chính trị của Đại hội 18 Đảng bộ tỉnh cũng chưa đề cập đến tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. Tôi đề nghị trong Nghị quyết của Đại hội cần có nội dung này và sau Đại hội, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa 18 sẽ cụ thể hóa các yêu cầu này và có kế hoạch thực trong toàn khóa.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Định kỳ đánh giá sự hài lòng của người dân
Đặc biệt Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Đại hội dành thời gian phân tích làm rõ: cần làm gì ở mỗi cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cấp ủy xã, huyện và tỉnh để bảo đảm đòi hỏi của Hiến pháp 2013 được thực hiện đó là: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
Phải chăng trong cơ chế hiện nay, sự đồng tình của người dân, sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của bộ máy chính quyền và sự lãnh đạo của các cấp ủy chưa trở thành tiêu chí, điều kiện để cán bộ, công chức và cấp ủy Đảng thực hiện quyền lực quản lý và lãnh đạo của mình trước nhân dân? Nên chăng chính quyền và cấp ủy Đảng các cấp cần biết chính xác: nhân dân đồng tình và không đồng tình thế nào với hoạt động quản lý và lãnh đạo của mình? Nhân dân hài lòng như thế nào về sự quản lý, lãnh đạo của mình và cuộc sống của nhân dân hiện nay? Chúng ta cần tiếp tục thể chế hóa đòi hỏi của Hiến pháp 2013: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
“Đại hội xem xét bổ sung một giải pháp để vừa làm cho bộ máy chính quyền và Đảng trong sạch, vững mạnh, vừa làm cho cuộc sống của nhân dân hạnh phúc hơn. Định kỳ 6 tháng, 1 năm thực hiện việc đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp với phục vụ của các cơ quan công quyền. Hưng Yên cũng cần đặt ra mục tiêu trở thành 1 trong những tỉnh có môi trường kinh doanh tốt nhất để thu hút đầu tư đến với Hưng Yên, chấm dứt tình trạng chỉ số cạnh tranh của tỉnh Hưng Yên vẫn ở tốp cuối của cả nước (năm 2013 đứng thứ 53/63 tỉnh, thành phố; năm 2014 đứng thứ 51/63).” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng rằng, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh, xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển, cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI ĐẠI HỘI:
Anh Vũ