Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Cần chuẩn bị kỹ

Cấn Hằng (thực hiện) 02/11/2015 06:10

Đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CTGDPTTT), GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, ông hài lòng với chương trình mới này bởi nhiều tâm đắc đáng ghi nhận. Tuy nhiên để thực hiện được tốt cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng, đặc biệt là về cơ sở vật chất, chuyên gia viết sách và giáo viên giảng dạy.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Cần chuẩn bị kỹ

GS Nguyễn Minh Thuyết.

PV: CTGDPTTT được đánh giá là điểm mới trong cải cách giáo dục. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng đây là một chương trình còn quá mới mẻ nên việc áp dụng vào Việt Nam cần phải có lộ trình với những kế hoạch cụ thể. Cá nhân ông nhận định thế nào về Chương trình này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ngay khi mới tiếp xúc với CTGDPTTT, tôi đã cảm thấy hài lòng, điểm mới tôi thấy tâm đắc ở chương trình này là đã thể hiện được quan điểm Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GDPT. Cụ thể trong nghị quyết có nêu lên hai tư tưởng rất quan trọng đó là thực học và dân chủ.

Thứ nhất, từ trước đến này chúng ta vẫn phê bình chương trình giáo dục phổ thông của nước ta xa với thực tiễn, nhưng với chương trình này, học sinh (HS) được thực hành nhiều hơn vì quan điểm người xây dựng chương trình là hướng tới phát triển năng lực và hoàn thiện nhân cách cho mỗi một HS.

Đặc biệt, chương trình có thời lượng thỏa đáng dành cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Có những môn học chỉ được dành 2 tiết /tuần nhưng hoạt động trải nghiệm sáng tạo được dành từ 3-5 tiết/tuần. Những hoạt động này được phân bổ từ cấp tiểu học đến THCS.

Nội dung các môn theo CTGDPTTT cũng xác định rõ phải hình thành năng lực và phẩm chất của HS. Chương trình hiện hành cũng xác định phải hình thành năng lực của HS, nhưng có một điều mới hơn là trong chương trình gồm những năng lực gì và cụ thể nội dung của những năng lực đó ra sao, đó là điều thuận lợi cho người viết sách và triển khai.

Điểm thứ hai, tôi thấy CTGDPTTT thể hiện được quan điểm dân chủ. Tính dân chủ rất đậm nét, cụ thể là ngay từ cấp tiểu học, HS đã được tự chọn 1 số hoạt động, một số môn, càng lên lớp trên HS được tự chọn môn học ngày càng nhiều. Vì khi học lên các bậc học cao các em đã nhận thực được năng lực, sở trường của bản thân để lựa chọn phù hợp.

Điểm thứ ba khiến tôi cảm thấy tâm đắc, đó là tính cập nhật đối với quan điểm tiên tiến của giáo dục thế giới. Ví dụ đối với môn Ngữ văn là môn tôi theo sát hơn cả. Theo trường phái ngôn ngữ học chức năng ở Australia, giáo viên dạy văn bản ở trường phổ thông không chỉ đơn giản là văn bản thuần túy mà đó là văn bản đa phương thức, khi chữ viết kết hợp với ký hiệu, sơ đồ, hình ảnh, trong một số trường hợp là cả âm thanh. Việc này bắt đầu thực hiện từ lớp 1 trở lên.

Đây là một cách tiếp cận rất mới đồng nghĩa với việc sách giáo khoa phải thay đổi nhiều để cung cấp thông tin một cách đầy đủ, trọn vẹn hơn đến người học.

Bên cạnh những điểm tích cực nói trên còn điều gì khiến ông thấy băn khoăn ở CTGDPTTT?

- Băn khoăn thứ nhất của tôi chính là điều kiện yêu cầu tích hợp. Bởi vì chúng ta đặt vấn đề học tích hợp vật lý, hóa học thành khoa học tự nhiên... Vấn đề đặt ra là ai là người viết sách? Hiện chúng ta chưa có chuyên gia tích hợp mà chỉ có chuyên gia từng môn học.

Thứ hai là người dạy, hiện nay các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn. Ai là người sẽ dạy được môn tích hợp, đó là câu chuyện rất khó. Dĩ nhiên để thực hiện điều này, ngay từ lúc này các trường sư phạm sẽ phải thay đổi phương thức đào tạo. Nhưng để thay đổi như vậy phải có nội dung, mà hiện nay nội dung tích hợp chưa có, vì vậy cũng chưa thể có giáo trình dạy tích hợp ở trường sư phạm.

Điều kiện khó thực hiện nữa là cơ sở vật chất của các trường như thế nào? Cho đến nay chúng ta biết ở các thành phố, nhất là thành phố lớn đất chật người đông, các lớp học rất đông HS, giáo viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực rất khó. Ngược lại, ở miền núi lớp học vắng nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, điều kiện học tập như thế là thách thức đối với giáo viên khi thực hiện chương trình mới.

Vậy theo ông đâu là giải pháp cho những vấn đề này?

- Chúng ta chưa có chuyên gia để xây dựng chương trình có nội dung tích hợp, chuyên gia để viết sách có nội dung tích hợp và giáo viên dạy môn học tích hợp, tuy nhiên vẫn có giải pháp cho vấn đề này. Hiện nay tích hợp là xu hướng chung của các chương trình giáo dục tiên tiến, các nước trên thế giới đã có chương trình và sách giáo khoa, chúng ta có thể học tập từ nước bạn.

Tuy nhiên mỗi nhà chuyên môn phải dẹp bớt những đòi hỏi chuyên môn bởi họ khó tránh khỏi việc có tâm lý là ai cũng muốn môn học mình dạy là quan trọng và đứng độc lập . Nếu ghép Hóa với Lý mà vẫn có phần học Hóa riêng, Lý riêng thì chẳng khác nào ghép 2 cuốn sách giáo khoa với nhau.

Về giáo viên ta phải tổ chức bồi dưỡng. Trong bước đầu, ta chấp nhận giáo viên vốn được đào tạo từ các ngành chuyên biệt nhưng họ sẽ được bồi dưỡng để giảng dạy chương trình mới. Thực tế cho thấy khi bắt đầu bất cứ một cuộc cách mạng, cải cách đều rất khó khăn song cứ làm và rút kinh nghiệm, dần dần đội ngũ sẽ trưởng thành và dần hoàn thiện.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng giáo dục, chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến điều kiện học tập và điều này cần hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các địa phương chung tay, quan tâm để tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển giáo dục.

Việc đổi mới chương trình sẽ khiến sách giáo khoa phải thay đổi rất nhiều, tuy nhiên giả sử có trường vẫn sử dụng bộ sách giáo khoa hiện hành giảng dạy theo chương trình mới liệu có được không? Bộ sách hiện nay có đáp ứng được yêu cầu này hay không?

- Tôi cho rằng khi có một chương trình mới thì sách giáo khoa mới phải cố gắng thể hiện được nội dung mà nó muốn truyền tải, đấy là con đường ngắn nhất giúp giáo viên, HS đi được đến đích. Tuy nhiên ta hoàn toàn có thể sử dụng sách giáo khoa khác hoặc bộ sách hiện hành, vì yếu tố quan trọng hàng đầu không phải là sách giáo khoa hay chương trình mà đó là người giảng dạy với cái tâm dành cho học trò, sự hiểu biết chuyên môn và phương pháp dạy học.

Trong thời phong kiến, chúng ta không dạy toán hay các môn tự nhiên nhưng lịch sử vẫn ghi nhận những nhà toán học như Lương Thế Vinh, Vũ Hựu. Những công thức mà Trạng Lường đưa ra không khác mấy so với công thức các nhà khoa học châu Âu thời kỳ đó đưa ra, mặc dù nước ta theo Nho học, không học khoa học kỹ thuật, khoa học thực nghiệm.

Tại sao có việc này? Có thể là do sự nỗ lực của ông Lương Thế Vinh hoặc ông từng theo học những người thầy có khả năng phát huy tính sáng tạo của học trò?!

Theo tôi, cái quan trọng là phương pháp, tâm huyết của ông thầy và sự cố gắng của mỗi HS. Tuy nhiên, sách giáo khoa theo sát chương trình sẽ rút ngắn khoảng cách thầy trò phải tự mày mò.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cấn Hằng (thực hiện)