Nông dân kêu Trời vì gánh nặng 'đóng góp'
Đó là chuyện liên quan đến việc xây dựng Nhà máy nước sạch của HTX NN Cốc Thành, thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (Nam Định). Theo đó, để có nước sạch, hơn 1.000 hộ xã viên ở đây đã phải đóng một khoản tiền lớn. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ…
Nhà máy nước sạch Cốc Thành.
3 triệu đồng và sẽ còn phải hơn thế
Theo ông Trần Xuân Dũng ở xóm C, xã Thành Lợi (Vụ Bản), thời gian qua, gia đình ông và nhiều hộ gia đình khác ở 8 thôn xóm trong xã (A, B, C, Dương A ngoài, Dương A trong, C Áp Phú, Phú Cốc, Trại Nội) rất lo lắng trước những thông báo hằng ngày trên loa truyền thanh của HTX Cốc Thành-nơi họ đang là xã viên-về những khoản đóng góp- theo ông là rất lớn-cho việc xây dựng nhà máy nước sạch của HTX …
Cụ thể, theo ông Dũng, cách nay 10 năm, để có nước sạch sinh hoạt, vào năm 2005, gia đình ông và các gia đình khác thuộc 8 thôn, xóm trên đã phải đóng 1,2 triệu đồng phục vụ việc xây dựng Nhà máy nước sạch Lê Lợi. Đến năm 2014, HTX Cốc Thành, một trong 3 HTX nông nghiệp của xã Thành Lợi chủ trì việc xây dựng nhà máy nước sạch Cốc Thành, phục vụ riêng cho các hộ xã viên thuộc 8 thôn xóm trên.
Để tiếp tục được sử dụng nước sạch, khi đó hơn 1000 hộ dân ở đây, dù còn khó khăn nhưng vẫn phải lo đóng thêm 1,5 triệu đồng/hộ. Không dừng lại ở đó, thời gian qua, các hộ dân này thêm một lần nữa lo lắng khi được HTX thông báo sẽ thu thêm 300.000 đồng/hộ để phục vụ việc sửa chữa đường ống. Theo ông Dũng, mức đóng góp trên với gia đình ông và hầu hết các gia đình nông dân khác ở địa phương là quá cao, quá khả năng và không công bằng so với mức người dân ở nhiều địa phương khác trong tỉnh phải đóng để được sử dụng nước sạch.
“Vì không đồng tình, nhiều hộ không nộp thì được HTX thông báo sẽ tăng giá nước từ 7000 đồng/khối lên 11.000 đồng/khối khiến chúng tôi rất bất bình. Trong khi đó, không hiểu khả năng quản lý của HTX như thế nào mà đến nỗi đi họp chúng tôi được các ông ở HTX thông báo tỷ lệ thất thoát nước hằng tháng của nhà máy lên đến 48%, giật hết cả mình”, ông Dũng bức xúc.
Người dân xã Thành Lợi (Vụ Bản-Nam Định) bức xúc vì phải đóng góp nhiều
cho việc xây dựng Nhà máy nước sạch Cốc Thành.
“Không nhận được sự hỗ trợ nào của nhà nước”
Liên quan đến những phản ánh của người dân, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Bùi Văn Quý, Chủ tịch HĐQT HTX NN Cốc Thành cho biết: xã Thành Lợi có 3 HTX. Trước đây dân cả xã dùng chung nước do nhà máy nước Lê Lợi cung cấp. Tuy nhiên, do công suất của nhà máy này nhỏ, nhu cầu lớn nên việc phục vụ không đảm bảo, thường xuyên xảy ra tình trạng mất nước, mỗi lần mất nước phải vài ngày mới khắc phục được. Nhu cầu xây dựng thêm một nhà máy nước mới trở nên cấp bách, HĐND xã có nghị quyết, giao cho HTX NN Cốc Thành thực hiện việc này…
Ông Quý cũng cho biết: theo luật HTX, HTX NN Cốc Thành hoạt động theo cơ chế là HTX kinh doanh dịch vụ, để có vốn hoạt động, theo luật HTX phải huy động vốn từ thành viên HĐQT, từ các các hộ xã viên và từ việc đi vay. Việc xây dựng nhà máy nước Cốc Thành được thực hiện theo cơ chế này. Tuy là công trình phục vụ nhu cầu tối thiểu, thiết thực cho người dân nhưng việc xây dựng nhà máy không nhận được sự hỗ trợ nào của nhà nước, hoàn toàn do HTX và xã viên tự lo.
Cụ thể, theo ông Quý, kinh phí xây dựng nhà máy hết 3,6 tỷ đồng (số tròn). HTX thu từ hơn 1000 hộ dân (1,5 triệu/hộ) được hơn 1,5 tỷ đồng, cộng với hơn 200 triệu đồng được HTX Lê Lợi hoàn trả lại phần người dân đã đóng góp xây dựng nhà máy nước cũ (khoản góp 1,2 triệu đồng từ năm 2005) sau khi đã khấu hao… cũng chỉ được gần 2 tỷ đồng, tương đương 48% vốn. Số tiền còn thiếu gần 2 tỷ đồng, tương đương 52%, theo ông Quý HTX phải đi vay. Để có kinh phí trả nợ HTX phải tạo lợi nhuận, lấy đó bù vào.
Cụ thể, theo ông Quý, mức giá 7000 đồng/khối nước HTX đang thu từ các hộ xã viên là mức theo khung giá phục vụ do UBND tỉnh Nam Định quy định. HTX đang tính toán thu tăng lên 11.000 đồng/khối theo khung giá kinh doanh, tăng 4000 đồng khối, lấy đó làm nguồn thu, phục vụ việc trả nợ. Tuy nhiên, ông Quý cho biết hiện HTX chưa áp dụng mức giá kinh doanh này mà đợi họp bàn tại hội nghị xã viên…
Mặc dù vậy, liên quan đến thắc mắc của người dân về việc phải đóng thêm 300.000 đồng để sửa chữa hệ thống đường ống, ông Quý cho biết hiện trên địa bàn xã đang triển khai một dự án đường giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống đường ống dẫn nước, phải di chuyển, bố trí lại, dự toán cho việc này khoảng 300 triệu đồng. “Việc HTX huy động 300.000 đồng/hộ dựa trên quan điểm đây là tài sản chung của xã viên, khi có việc hỏng hóc, sửa chữa, di chuyển thì phải huy động xã viên đóng góp”, ông Quý giải thích.
Ông Bùi Văn Quý, Chủ tịch HĐQT HTX NN Cốc Thành.
Liên quan đến việc người dân phản ánh tỷ lệ thất thoát nước sạch hằng tháng của nhà máy nước Cốc Thành lên đến 48%, Chủ tịch HĐQT HTX NN Cốc Thành thừa nhận có việc này. “Hiện chúng tôi không tìm được nguyên nhân. Việc kiểm tra rất khó khăn vì nhà nào giờ cũng kín cổng, cao tường, việc lấy trộm nước cũng rất tinh vi, khó phát hiện. Từ khi hoạt động, chúng tôi mới chỉ phát hiện được hơn 10 trường hợp người dân đục đường ống lấy trộm nước”, ông Quý lý giải.