Góp ý Dự thảo văn kiện đã đi vào thực chất

Nguyễn Phượng (ghi) 03/11/2015 07:30

Tiến sĩ Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cho rằng: Những ý kiến góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII rất thực chất, xuất phát từ trí tuệ, tâm huyết đầy trách nhiệm của người góp ý  về tình hình đất nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình
tại Trường quay Đài truyền hình Việt Nam.

Theo dõi các diễn đàn góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII do MTTQ Việt Nam tổ chức trong thời gian qua, cùng với việc đánh giá cao những quan điểm mới được đề cập trong Dự thảo, các nhân sĩ, trí thức, các giai tầng trong xã hội đã có nhiều đề xuất với Đảng tìm các giải pháp để xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới. Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cho rằng: Những ý kiến góp ý lần này rất thực chất, xuất phát từ trí tuệ, tâm huyết đầy trách nhiệm của người góp ý về tình hình đất nước.

Mặt trận đã tổ chức 3 tọa đàm lớn

PV: Thưa ông, UBMTTQ Việt Nam các cấp thời gian qua đã tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo văn kiện của Đảng trình Đại hội XII như thế nào?

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình: Kể từ ngày 15/9/2015, Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng được công bố, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các tổ chức thành viên, các nhân sỹ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc.

Hệ thống MTTQ Việt Nam đã tổ chức các diễn đàn trao đổi, các cuộc họp để đóng góp trực tiếp vào các nội dung của Dự thảo văn kiện từ Trung ương xuống cơ sở.

Ở Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam để đóng góp ý kiến trực tiếp, tổ chức 5 HĐTV của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam góp ý đó là các Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Dân chủ - Pháp luật, Đối ngoại và Kiều bào, Tôn giáo và Dân tộc.

Trong mỗi hội đồng tư vấn, chúng tôi đều mời các chuyên gia, cán bộ hưu trí, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong nhiều lĩnh vực để cùng tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện.

Đặc biệt, Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Thanh tra Chính phủ tổ chức 3 cuộc tọa đàm lớn với các chủ đề khác nhau. Đó là một cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, doanh nhân và các nhà hoạt động kinh tế với chủ đề “Phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập” để phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp đột phá phát triển, đưa Khoa học - Công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra bước đột phá xây dựng đất nước trong 5 năm tới và khát vọng xây dựng đất nước trong 30 năm tiếp theo.

Một cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn trên lĩnh vực văn hóa, lực lượng trẻ để phân tích, đánh giá đóng góp vào các nội dung liên quan đến nội dung văn hóa trong thời kỳ hội nhập của đất nước, đặc biệt phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, thực hiện khát vọng đưa đất nước phát triển trong thời gian sắp tới.

Và một cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, các chuyên gia trên lĩnh vực hoạt động của Mặt trận, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động trong lĩnh vực pháp luật về phát huy dân chủ trong thời kỳ Internet, thực hiện phòng chống tham nhũng và lãng phí, thực hiện chức năng giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh để đưa đất nước vươn lên trong thời gian tới.

Đợt tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này thông qua kênh Mặt trận là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, làm cho mỗi chúng ta hiểu rõ hơn, nhận thức thực tế hơn những thành tựu cũng như những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng nhưng quan trọng nhất là đóng góp ý kiến trực tiếp vào quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách để phát triển đất nước 5 năm tới và khát vọng vươn lên của 30 năm tiếp theo.

Nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc và xây dựng

Nhiều diễn đàn với các chủ đề thiết thực đã được tổ chức một cách bài bản để lấy được các ý kiến một cách sâu sắc nhất của các tầng lớp nhân dân. Vậy, qua các diễn đàn góp ý do MTTQ tổ chức, ông thấy nổi lên những vấn đề gì trong Dự thảo, giành được sự quan tâm, đóng góp nhiều nhất của các nhân sỹ, trí thức và các giai tầng trong xã hội?

Ngoài những vấn đề chung, qua các diễn đàn, chúng tôi thấy rằng các nhân sỹ, trí thức, các doanh nhân, những người hoạt động thực tiễn và nghiên cứu có trách nhiệm, tâm huyết với đất nước quan tâm đến 4 vấn đề.

Thứ nhất là làm thế nào để phát triển kinh tế nước ta trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu hôm nay, vượt qua những thách thức, tận dụng thời cơ để ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất để đất nước phát triển nhưng cũng có những biện pháp để chúng ta không bị rơi vào bẫy của những nước có mức thu nhập trung bình.

Thứ hai đó là những vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí, thực hành dân chủ trong điều kiện hiện nay và tạo cơ chế cho MTTQ Việt Nam thực hiện giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong điều kiện đất nước chỉ có một Đảng cầm quyền. Đó là những vấn đề cần bảo đảm dân chủ, phát huy thực hiện dân chủ trong thời kỳ hiện nay.

Thứ ba về xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài các chủ trương, chính sách chung đang thực hiện thì phải tạo ra cơ chế để sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quyết định thắng lợi của dân tộc trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, biển đảo, thống nhất đất nước. Trong đó cần quan tâm đến việc thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước đó là đảm bảo tự do tôn giáo tín ngưỡng, có chính sách để đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ hơn, hòa chung với nhịp độ phát triển của cả nước, tạo thành sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ tư, nhiệm vụ xây dựng Đảng và xây dựng từng tổ chức Đảng vững mạnh trong điều kiện hiện nay đồng thời xây dựng chính quyền thực sự do dân, vì dân.

Nhiều ý kiến đã đóng góp trực tiếp bằng văn bản, câu chữ, ngữ nghĩa trong từng ý mà trong Dự thảo văn kiện đưa ra đã thấy rõ được qua đợt sinh hoạt này, đặc biệt qua 3 cuộc tọa đàm vừa qua nổi lên những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước 5 năm tới đây, đặc biệt trong 30 năm tiếp theo.

Như vậy, chúng ta đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết của các tầng lớp nhân dân đóng góp vào những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Vậy, thời gian tới, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam sẽ làm gì để những ý kiến, những đề xuất này đến được với Đảng?

Theo quy định đến ngày 31/10/2015 chúng ta kết thúc việc tập hợp, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Chúng tôi đang khẩn trương tập hợp các thông tin, tư liệu, dữ liệu từ hệ thống Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên từ cấp tỉnh, huyện, cơ sở và từ các hội nghị đưa về.

Theo quy định chung, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam sẽ tập hợp những ý kiến đó gửi về cho Ban Dân vận Trung ương, trên cơ sở đó tập hợp gửi về Tiểu ban văn kiện. Tuy nhiên, trong đó có nhiều nội dung, nhiều ý kiến chúng tôi tập hợp riêng để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan liên quan và theo dõi quá trình xử lý của cơ quan liên quan để báo cáo lại với các tầng lớp nhân dân theo đúng Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát và phản biện xã hội và quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng, Nhà nước. Quá trình này MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi trong thời gian sắp tới.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Nguyễn Phượng (ghi)