Ưu đãi thuế, đất đai: Hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Ngày 2/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Hai vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến là đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nhân lực và đầu tư phát triển nông nghiệp.
Nhiều chính sách cho nông nghiệp, nông thôn còn dàn trải. (Ảnh: TL).
Thể chế hội nhập và con người hội nhập
Dẫn chứng chuyện 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học thì có đến 12 em ở lại nước ngoài làm việc- ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) đã chỉ ra những bất cập trong sử dụng nhân tài. Theo ĐB, hiện nhiều gia đình đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là việc cho đi học bài bản ở nước ngoài. Nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu rất mong muốn về làm việc trong nước nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp.
"Thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng nhân tài, hết sức chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực nhà nước đầu tư đào tạo. Làm thế nào có thể thu hút lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học. Phải có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để tinh giản bộ máy và rà soát, hợp lý hóa các đầu mối, hợp nhất các bộ phận tránh chồng chéo, tiết giảm chi phí bộ máy để có điều kiện nâng cao thu nhập cho những người lao động làm việc có hiệu quả"-ông Hòa kiến nghị trước việc hiền tài của đất nước đem chất xám làm việc nơi xứ người.
Đồng quan điểm, nhấn mạnh đến yếu tố con người trong bối cảnh đất nước đang hội nhập TPP, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nói: "Để hội nhập thành công thì đồng thời phải có thể chế hội nhập và con người hội nhập. Về mặt thể chế, Quốc hội và Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt, tất nhiên các cam kết TPP buộc chúng ta phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật hơn nữa. Nhưng điều đáng buồn là chúng ta chưa có con người hội nhập". Chính vì thế, ông Tâm cho rằng, để thành công trong TPP, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là đột phá vào con người.
"Chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự cần cù của mỗi người dân, nhẫn nại và sáng tạo của mỗi doanh nghiệp, tận tụy của từng công chức thì chúng ta mới vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hội nhập này. Việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy'- ông Tâm kiến nghị.
Chính sách đặc biệt cho nông nghiệp
Cho rằng nhiều chính sách cho nông nghiệp, nông thôn còn dàn trải, manh mún, nhất là đối với chính sách cho người trồng lúa, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề nghị, cần đầu tư các cho công trình công cộng, hỗ trợ cho người nông dân tích tụ ruộng đất, xây dựng nông thôn mới phải quan tâm đến sản xuất, mà sản xuất là phải đầu tư nông nghiệp nông thôn, làm sao để doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. "Hiện chúng ta chưa quan tâm đến đào tạo nghề cho nông dân mà chỉ chú ý đến đào tạo nghề cho công nhân lao động, do đó cần phải có giải pháp mạnh mẽ để làm sao phấn đấu đạt như mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 70% nông dân được qua đào tạo"- bà Duyền nói.
Chỉ ra "nông nghiệp là bệ đỡ chủ yếu của nền kinh tế”, trong thời gian qua dù Chính phủ đã khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng chính sách chưa hấp dẫn nên thực tế tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ trên 1%. Chính vì thế ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề nghị, Chính phủ bổ sung cơ chế chính sách đủ mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai.
Theo ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn đang là lĩnh vực yếu thế, do đó cần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu; đầu tư cao hơn cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với từng vùng miền, địa phương, chỉ đạo quyết liệt rà soát quy hoạch tiêu thụ hàng nông sản tại thị trường trong nước; thực hiện tốt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Trong khi đó, ĐB Y Mửi (Kon Tum) thì cho rằng, công tác giảm nghèo chưa bền vững, sự phân phối thành quả phát triển kinh tế chưa đồng đều. Theo bà Mửi, Chính phủ cần ban hành chính sách đặc biệt, hỗ trợ và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện với từng vùng miền cụ thể. Đồng thời giải quyết một cách căn bản tình trạng đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những hộ đang thiếu đất ở, sản xuất. Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các nông lâm trường quốc doanh.