Đào tạo theo chuẩn đầu ra

Thu Trang 04/11/2015 09:25

Lợi ích của việc phát triển giáo dục là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, điều này đã được chứng minh trên cả lý thuyết lẫn thực tiễn - PGS. TS Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN nhắc lại một nhận định hiển nhiên như chân lý tại Hội thảo quốc tế “Chuyển biến kinh tế - xã hội và Giáo dục”, diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày (3, 4/11). 

Đào tạo theo chuẩn đầu ra

Cở sở đào tạo cần đổi mới chương trình theo chuẩn đầu ra.

Sự mất cân đối của đào tạo và nhu cầu thị trường

Theo PGS. TS Trần Huy Hoàng, sự tác động của chuyển biến KTXH lên cung - cầu giáo dục, sự tiếp thu kiến thức và kĩ năng mới để đáp ứng về thay đổi KTXH là vấn đề đặt ra, cần tìm hiểu giải quyết trong bối cảnh phát triển hiện nay của đất nước.

Chuyên gia kinh tế giáo dục, TS Nolwen Henaff đưa ra những hiểu biết của ông về thực tế ở Việt Nam: Tỉ lệ sinh viên (SV) ra trường thất nghiệp ở VN không phải là con số lớn. Nhưng tỉ lệ thất nghiệp nhỏ trong một quy mô dân số lớn như VN thì cũng có nghĩa là có vài triệu người thất nghiệp.

Ông cũng cho rằng: Học vấn càng cao, tỉ lệ thất nghiệp càng lớn là do sự mất cân đối của đào tạo và nhu cầu của thị trường. Các trường cứ đào tạo nhưng không biết nhu cầu lao động (LĐ) của thị trường LĐ là như thế nào, dẫn đến SV tốt nghiệp Đại học không tìm được việc làm. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc trình độ học vấn cao, nhưng khả năng tìm việc làm lại ít hơn.

“Rõ ràng cảm nhận của người học rất khác so với thực tế. Trên thực tế, chưa thấy có nghiên cứu cập nhật. Nhưng khi làm việc trong lĩnh vực này tôi thấy rằng một trong những chiến lược mà SV sử dụng để có thể có khả năng tìm được việc làm tốt hơn, đó là thay vì học một trường có thể học hai, ba trường. Ví dụ 1 em SV có thể học kinh tế sau đó có thể học thêm ngoại ngữ để sau khi ra trường thì nếu không tìm được việc làm trong lĩnh vực kinh tế thì có thể tìm việc làm trong lĩnh vực ngôn ngữ. Đó là một trong những chiến lược của SV để có khả năng tìm việc cao hơn. Và đó cũng là cảm nhận của họ thôi chứ không phải cảm nhận của thị trường LĐ” - TS Nolwen Henaff nhận xét.

Thiếu hụt kỹ năng

TSKH Nguyễn Đỗ Nhật Tiến cho biết: Báo cáo phát triển VN 2014 nhận định, khó khăn chính của LĐVN hiện nay không phải là thiếu cầu LĐ mà là thiếu hụt kỹ năng. Tỉ lệ thiếu hụt kỹ năng so với mong đợi của doanh nghiệp lên tới 37,04% trong ứng dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế…

Ông Tiến cho rằng: Vấn đề thiếu hụt kỹ năng là vấn đề lâu dài rồi nhưng có vẻ “không nằm trong nhận thức của các nhà hoạch định chính sách, không nằm trong nhận thức của doanh nghiệp sử dụng LĐ”. SV VN ra trường thiếu tiếng Anh, thiếu hụt giao tiếp, thiếu hụt thái độ làm việc, về tính toán.

Theo ông Tiến, nhiều cơ sở đào tạo của VN kém chất lượng so với các nước ASEAN. Muốn có cơ sở đào tạo hoạt động tốt phải có liên kết tốt. Tình trạng thiếu liên kết này thường xảy ra ở các nước đang phát triển, nhưng ở VN thiếu trầm trọng. Cơ sở đào tạo thiếu cơ chế cung cấp cho SV các thông tin cần thiết về thị trường LĐ, thiếu cơ chế thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển chương trình giáo dục, thiếu thông tin về cung của cơ sở đào tạo và về cầu của doanh nghiệp để tạo kết nối cung – cầu.

Ông Tiến cho rằng về phía cơ sở đào tạo cũng có nguyên nhân thiếu năng lực: Trình độ giáo viên không theo kịp những biến động của thị trường LĐ, cả doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đều thiếu nhưng năng lực cần thiết như năng lực cạnh tranh, giải quyết vấn đề…

Tương tự, GS.TS Nguyễn Minh Đường, chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục VN cũng nêu quan điểm: VN là nước nông nghiệp, 70% LĐ đang sống và LĐ ở nông thôn, LĐ qua đào tạo tỉ lệ rất thấp. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong số 50,4 triệu LĐ bao gồm lao động trong khu vực kinh tế không chính quy, hoặc LĐ tự tạo việc làm, mới chỉ có 7,7 triệu người được đào tạo chiếm tỉ lệ rất thấp. Bởi vậy, năng suất LĐVN hiện nay đứng vào nhóm cuối của các nước trong khu vực.

Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH

Để chuyển hướng CNH - HĐH đất nước, theo GS. TS Nguyễn Minh Đường, cần chuyển dịch cơ cấu LĐ cho phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chiến lược phát triển KTXH 2011-2020 nêu rõ: Vào năm 2020, tỉ lệ LĐ nông nghiệp khoảng 30-35% LĐ xã hội (còn khoảng 1/2 so với hiện nay). Để chuyển dịch cơ cấu LĐ như trên nhiệm vụ cấp bách là phải quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo, quy hoạch lại cơ cấu đào tại nhân lực về trình độ cũng như ngành nghề cho phù hợp cơ cấu LĐ, đồng thời kết hợp với Trung tâm LĐ để điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh hàng năm cho phù hợp nhu cầu của Trung tâm LĐ.

Để các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn, GS Đường chia sẻ: Mối quan hệ này là mối quan hệ tự nguyện chứ không ai bắt buộc được. Luật giáo dục, luật giáo dục Nghề nghiệp, chiến lược đều quy định các doanh nghiệp phải gắn kết với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp phải tham gia hệ thống đào tạo nhưng là tự nguyện. Chừng nào mà doanh nghiệp chưa thấy được lợi gì thì chưa tham gia. Hiện nay chúng ta đào tạo chưa gắn với họ, chưa phục vụ được lợi ích của họ.

Ví dụ người ta cần LĐ có kĩ năng làm ra cái cốc còn chúng ta đào tạo đủ thứ sành, sứ, cốc nhưng không rành một cái gì cả. Thế thì họ tham gia làm gì? Chừng nào chúng ta thay đổi chương trình, cách đào tạo để chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, họ thấy có lợi thì sẽ tham gia thôi. Đó là quan hệ cung - cầu, trước hết là về chất lượng.

“Muốn có chất lượng thì phải thay đổi, phải đáp ứng chuẩn đầu ra, không phải do các thầy đào tạo, các trường xây dựng ra mà phải căn cứ vào nhu cầu của họ trong thị trường LĐ. Họ cần người LĐ có năng lực gì thì mình phải dựa vào đó để xây dựng chuẩn đầu ra thì mới đáp ứng được yêu cầu”.

GS Đường cũng nhấn mạnh thêm: “Cần phải giao quyền tự chủ cho các nhà trường, trước hết là tự chủ đào tạo sau là tự chủ tài chính. Trông chờ vào nhà nước không thể thoả mãn”.

Ông Nguyễn Đỗ Nhật Tiến cũng đưa ra một số giải pháp tương tự, đó là chuyển hệ thống GDĐH và giáo dục nghề nghiệp từ hướng cung sang hướng cầu, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở, tái cơ cấu hệ thống theo hướng nâng cao tính đa dạng… Đặc biệt là đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra.

Thu Trang