Cảnh giác bẫy lãi suất khi vay tiêu dùng
“Mẹo” của các ngân hàng, công ty tài chính khi cho vay tiêu dùng là chia nhỏ mức lãi suất theo ngày, theo hàng tháng để khách hàng yên tâm sẽ trả cả gốc lẫn lãi được dễ dàng. Nhưng ẩn sau đó là phí phạt và “bẫy” lãi suất cao ở mức từ 17% - 25%/năm.
Ảnh: TL.
Ngân hàng tung “chiêu”
Các ngân hàng đang rầm rộ triển khai các gói vay tiêu dùng, vay mua sắm cuối năm. Người vay có thể chủ động sử dụng khoản tiền để xây dựng, sửa chữa nhà, mua sắm ti vi, xe máy, bàn ghế, hỗ trợ vốn cho con cháu sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng cũng cam kết giải ngân nhanh với lãi suất hấp dẫn trong 2 năm đầu.
Chưa hết, các ngân hàng cũng đang rầm rộ cho nhân viên gọi mời khách hàng mở các thẻ tín dụng để mua sắm cuối năm. Một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tiêu dùng tăng mạnh là thủ tục cho vay rất dễ dàng. Với đa số khoản vay, khách hàng chỉ cần cung cấp bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu và không cần thế chấp. Thậm chí, nếu vay dưới 10 triệu đồng, khách hàng chỉ cần nộp bản sao chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe là các thủ tục giải ngân khoản vay sẽ nhanh chóng, dễ dàng.
Theo tính toán hiện nay của nhiều tổ chức tín dụng, vay tiêu dùng đang chiếm tỷ lệ 6- 8% tổng dư nợ cho vay. Nhiều khách hàng đang sử dụng thẻ để mua sắm. Nhưng mật ngọt, dễ chết ruồi. Ngân hàng luôn nắm đằng chuôi, khách hàng “khó xơi” các khoản tiền tiêu dùng này.
Chị Nguyễn Hoàng Anh (tập thể A6, Giảng Võ, Hà Nội) kể, hôm 20-10 chị nhận được sao kê thông báo từ ngân hàng Techcombank, với nội dung số dư cuối kỳ 5,8 triệu đồng. Giá trị thanh toán chậm nhất vào ngày 4/11 là 293.000 đồng Phí chậm thanh toán là 150.000 đồng, lãi phải trả 215.000 đồng. Sau 45 ngày không thanh toán tài khoản bị khóa. Theo chị Hoàng Anh, mua sắm qua thẻ khá thuận tiện nhưng nếu không “cảnh giác” thì số lãi chậm trả được tính rất cao.
Cho đến nay, vấn đề bức xúc nhất của khách hàng đối với tín dụng tiêu dùng là lãi vay. Chẳng hạn với trường hợp chị Nguyễn Hoàng Anh, chị không thể biết khoản tiền 215.000 đồng được tính trên tổng dư nợ 5,8 triệu đồng hay là từ các khoản nợ của tháng trước nữa.
Tương tự chị Nguyễn Hà (phố Đào Tấn – Hà Nội), sử dụng thẻ Visa ngân hàng ANZ để tiêu dùng nói, chị thường xuyên gọi đến cho ngân hàng để thắc mắc về cách tính lãi. Chị mới trả chậm lãi một ngày thì phần lãi chỉ tính theo ngày, song ngân hàng tính luôn lãi cho cả tháng trước.
Hiện nay, lãi suất vay tiêu dùng mà các ngân hàng áp dụng thường dựa trên rất nhiều yếu tố, mức độ rủi ro, lịch sử tín dụng, số tiền, kỳ hạn vay và vài yếu tố khác.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật BASICO khẳng định, pháp luật không hạn chế lãi suất cho vay tối đa. Lãi suất là do tổ chức tín dụng quy định và thỏa thuận với khách hàng.
“Ngậm ngải” chịu thiệt
Không chỉ các ngân hàng, các công ty tài chính cũng mạnh dạn phát tờ rơi “vay tiêu dùng với lãi suất thấp nhất 5%/năm” tưởng chừng rất hấp dẫn. Song khi đặt bút ký vay tiền rồi mới biết lãi suất cao ngất ngưởng, không khác gì cho vay nặng lãi, thậm chí lên đến 20 – 25%/năm.
Khách hàng N.M.H. (Gia Lâm – Hà Nội) cho biết, tháng 9-2014, chị ký hợp đồng vay 10 triệu đồng với một công ty tài chính để mua máy tính. Nhân viên tư vấn cho biết, lãi vay là 2%/tháng nhưng hợp đồng lại ghi là “lãi suất cao nhất là 5%/tháng” điều này đã khiến chị thắc mắc. Phía nhân viên tư vấn trả lời, mức lãi suất “cao nhất” phòng trường hợp thị trường biến động. Và khi thanh toán khách hàng N.M.H. mới biết toàn bộ tiền lãi các tháng đều được Công ty tính với lãi suất 5%/tháng.
“Mẹo” của các ngân hàng và công ty tài chính khi tư vấn cho khách hàng đưa mức lãi suất tính theo ngày, và theo tháng nên khách hàng lầm tưởng lãi thấp nhưng thực ra không phải. Các ngân hàng cũng có chiêu quảng cáo hấp dẫn, lãi suất 0% trong 3 - 6 tháng đầu. Tháng tiếp theo, lãi suất sẽ tính theo lãi suất thị trường cộng với biên độ nhất định từ 3-5%/tháng.
Để cạnh tranh hấp dẫn khách hàng, ngân hàng lẫn công ty tài chính đang muốn làm đa dạng sản phẩm của mình. Mảng bán lẻ, cho vay tiêu dùng được nhìn nhận là miếng bánh ngọt nhiều tiềm năng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước khi quyết định vay tiêu dùng người vay cần tìm hiểu kỹ các món vay. Nếu vội vàng, rất có thể khách hàng sẽ bị thiệt. Đầu tiên là những khoản phí phải trả được mặc định sẵn trong hợp đồng. Cụ thể là phí chậm thanh toán, phí thanh lý hợp đồng sớm… Ngoài ra là phần lãi suất áp dụng khi tính theo ngày ít, có thể nằm trong khả năng thanh toán của mình nhưng khi tính theo năm lại tương đối lớn, theo tính toán chi li có thể vượt mức 25%.
Thực tế từng chỉ ra với khá nhiều khách hàng, khi nhận sao kê từ ngân hàng, công ty tài chính gửi đến, khách hàng tá hỏa với cách tính lãi nhưng cũng không thể phản ứng lại được. Nguyên nhân được chỉ ra vì đã đặt bút ký vay tiền, dù biết lãi suất phải chịu quá cao nhưng khó kiện bên cho vay.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, lãi vay tối đa không được quá 150% lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, 4 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không công bố lãi suất cơ bản mới. Thêm vào đó, năm 2010, NHNN có Thông tư 12/2010/TT-NHNN của NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay theo lãi suất thỏa thuận.
Vẫn theo luật sư Trương Thanh Đức, mức lãi suất cơ bản mà NHNN công bố năm 2010 là 9%/năm, có nghĩa lãi vay không được quá 13,5%, song thực tế, lãi vay tín chấp của các ngân hàng, công ty tài chính có thể lên cao vượt mốc 13,5%/ năm này rất nhiều. Trao đổi với Đại Đoàn kết, cựu Thống đốc NHNN ông Cao Sỹ Kiêm cũng đưa ra lời khuyên, người dân trước khi vay cần phải nghiên cứu kỹ hợp đồng.
Các ngân hàng, công ty tài chính đang triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, đến tận các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng để mời chào vay vốn, đáp ứng nhu cầu mua hàng tiêu dùng trả góp tăng mạnh dịp cuối năm của người dân, với điều kiện vay dễ dãi, không cần tài sản thế chấp. Thế nhưng, ẩn trong những hợp đồng cho vay dễ tính là những “bẫy” lãi suất và phí phạt tinh vi.