Những clip đau lòng

Cẩm Anh 05/11/2015 09:50

Rõ ràng còn có những clip đau lòng là thầy cô, nhà trường chưa làm hết trách nhiệm của mình, là một lần chúng ta thất bại trong giáo dục.

Mỗi một lần xuất hiện chuyện con trẻ đánh nhau, chúng ta lại thấy đau lòng.

Clip “nữ sinh đánh nhau” xuất hiện trên mạng xã hội những ngày qua không phải là trường hợp hiếm hoi. Ở đây khoan bàn về xuất xứ của clip, cũng như tính chính xác của thông tin rằng đây là một sự việc xảy ra từ năm 2012 và hình như đã được thầy hiệu trưởng một trường cấp 3 ở Thái Bình xác nhận, chúng tôi trong bài viết này chỉ muốn nói về tính chất tiêu cực của vấn đề này mà không hiểu sao vẫn chưa thể nào ngăn chặn nổi.

Chuyện trẻ con đánh nhau nhưng làm cực kỳ đau lòng người lớn và hết sức lo ngại về một thế hệ trẻ em đang không hiếm hành vi giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, những bạn còn lại vô cảm khoanh tay đứng nhìn. Liên tiếp nhiều clip đánh nhau ở lớp học xuất hiện trong những năm qua cho thấy chuyện một học sinh bị đánh tàn nhẫn bởi chính những bạn bè cùng trang lứa ở trường học không phải là sự việc lần đầu tiên xảy ra, sẽ chẳng là trường hợp cuối cùng.

Cách đây không lâu trái tim nhiều bậc cha mẹ đã từng run lên khi xuất hiện clip quay cảnh học sinh nữ ở Trà Vinh bị bạn bè đánh đập tàn nhẫn. Ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được thư của một thầy giáo kể rằng, đó không phải là trường hợp cá biệt, nó chỉ cá biệt vì được quay clip, thầy còn dẫn ra rất nhiều số liệu sống động về những trường hợp học sinh đánh nhau ở địa phương mình.

Bởi thế mà lần này, chúng tôi nghĩ sự xuất hiện của clip nữ sinh Thái Bình đánh nhau cũng tương tự thế, nó hoàn toàn không phải ngoại lệ, bằng chứng là việc xảy ra từ năm 2012 và cả xã hội chỉ thảng thốt khi nó lộ ra trên mạng, nhà trường trước đó đã biết và âm thầm xử lý. Điều này khiến các bậc cha mẹ hết sức lo ngại vì chuyện như vậy có thể xảy ra ngay trong những ngôi trường mà con cái mình đang theo học.

Chả lẽ người lớn luôn phải ngồi khoanh tay để rồi mỗi lần xuất hiện clip lại thấy xuất hiện những từ cảm thán “đau lòng”, “phẫn nộ” tràn lan trên các mạng hay sao? Mỗi một lần xuất hiện chuyện con trẻ đánh nhau, chúng ta lại thấy một sự đau lòng cực lớn xét ở nhiều khía cạnh.

Một câu hỏi lớn luôn vang lên là thầy cô làm gì? Ở đâu? Vào lúc các em đang đánh nhau trong lớp học. Câu hỏi tiếp theo là chúng ta đã dạy dỗ trẻ em thế nào mà để các em sẵn sàng bộc lộ những hành vi như thế? Những hành vi mà bất cứ ai từng xem đoạn quay phải rùng mình: Một nữ sinh mới “tí tuổi đầu” vác ghế nện không thương tiếc một bạn gái và những bạn trai khác khoanh tay đứng nhìn, thậm chí còn làm một việc bất nhân là quay clip.

Ở trường ấy và các em ấy chắc cũng vẫn dạy và được học đủ các tiết giáo dục công dân, chắc vẫn có các buổi sinh hoạt dưới cờ, chắc cũng vẫn dạy các em về đạo đức và nhiều mỹ từ đẹp đẽ khác. Thế mà một học sinh hung hãn đánh bạn, nhiều em khác đứng ngoài xem và quay clip, không một đứa trẻ nào chạy đi mách thầy cô. Nghĩa là luật giang hồ đã xâm nhập vào trong trường học, tới mức các em sợ bị trả thù còn lớn hơn cả tình thương đối với bạn bè.

Có những người cha khi xem clip đã bức xúc nói rằng nếu nạn nhân là con gái họ, chắc họ sẽ không kiềm chế được cơn thịnh nộ. Nhưng sự phẫn nộ của mỗi cá nhân trong xã hội cũng dừng lại ở cảm xúc khi xem một cái cảnh quay không ai mong muốn. Cũng như những sự việc ồn ào lên, có thể kỷ luật thầy cô nào đó có trách nhiệm liên quan, có thể có những học sinh bị đuổi học (đó chưa chắc đã là giải pháp đúng). Rồi sau đó là gì? Rất có thể một thời gian ngắn trên mạng lại xuất hiện một clip tương tự.

Mỗi ngày các gia đình đưa con tới trường là tin cậy gửi gắm vào một hệ thống quản lý trong trường học có thể đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho con em họ. Vậy mà có thể đó cũng không thể là nơi bảo vệ được học sinh ngay tại trường lớp, trước chính những bạn bè của các em. Nhà trường và thầy cô không đời nào là dạy học trò đánh bạn. Nhưng chắc chắn đó phải là nơi chịu trách nhiệm lớn nhất về việc các em đánh nhau. Cái ác trong trường học sẽ còn hoành hành khi các mâu thuẫn trong học sinh chưa được nhà trường và gia đình phát hiện, giải quyết lúc manh nha.

Nhà trường cần phải có những bộ môn, bộ phận quan tâm tới tâm lý học đường, trang bị kỹ năng ứng phó nơi học đường và quan trọng phải có nơi để các em “kêu cứu” khi sự cố xảy ra. Ai sẽ giúp đỡ các em khi các em gặp phải sự đe dọa từ bạn cùng học hoặc từ băng nhóm bên ngoài nhà trường.

Thực tế có không ít học sinh gặp khó khăn trong mối quan hệ với bạn bè hay những lĩnh vực khác, nhưng không biết tìm tới đâu để chia sẻ, không biết tìm ai để được giúp đỡ. Do quá khủng hoảng về tâm lý nhưng lại không được ai hướng dẫn, khuynh hướng bạo lực trở nên gia tăng.

Liên tiếp xảy ra và có vẻ vẫn chưa dừng lại những chuyện bạo lực học đường là món nợ mà xã hội, nhà trường phải trả cho các em để đến mái trường là nơi các em được học, được chơi, được phát triển lành mạnh và an toàn. Rõ ràng còn có những clip đau lòng là thầy cô, nhà trường chưa làm hết trách nhiệm của mình, là một lần chúng ta thất bại trong giáo dục. Việc thiếu hụt các phòng tư vấn học đường trong trường học và những tổ chức xã hội khác để có thể giúp đỡ học sinh khi cần thiết vẫn đang là một thách thức không nhỏ.

Cẩm Anh