Sẽ di dời cư dân trong vùng lõi Thành Cổ Loa?
Hiện nay rất nhiều người dân đang băn khoăn, lo lắng không biết có phải di dời để phục vụ quá trình bảo tồn di sản không? Trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết nhiều khả năng các hộ gia đình sống tại vùng lõi của di tích sẽ được chuyển về khu tái định cư.
Người dân xem bản đồ quy hoạch Khu di tích
lịch sử Thành Cổ Loa. (Ảnh: Hài Vân).
Như thông tin đã đăng tải trên Báo Đại Đoàn Kết số 306, 307, một trong những vấn đề khiến không chỉ giới nghiên cứu mà ngay cả người dân đang sống trong lòng di tích Thành Cổ Loa cũng thấy băn khoăn, rằng có hay không việc di dời các hộ dân để phục vụ quá trình bảo tồn di sản.
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: nhiều khả năng các hộ gia đình sống tại vùng lõi của di tích sẽ được chuyển về khu tái định cư.
Cụ thể, theo phê duyệt Qui hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2.000) vừa được quyết định thì di tích với hơn 860 ha, được phân thành 4 vùng quản lý gồm phân vùng lõi: Khoảng 31,2 ha, bao gồm thành nội và khu cánh cung phía Nam thành nội. Đây là nơi tập trung đậm đặc các quần thể di tích tưởng niệm thời kỳ An Dương Vương. Ưu tiên tối đa bảo tồn, phát huy khai thác giá trị cốt lõi của khu di tích; Phân vùng trung: khoảng 225,3 ha, từ thành trung đến phân vùng lõi: tập trung phần lớn các thôn xóm hiện hữu. Ưu tiên cải tạo và chỉnh trang khu dân cư, gìn giữ cấu trúc định cư truyền thống; Phân vùng ngoại: khoảng 247,3 ha, từ hào thành ngoại vào đến phân vùng trung. Phần lớn là đất nông nghiệp và các thôn xóm nhỏ rải rác, sẽ được ưu tiên bảo tồn, phát triển khai thác môi trường sinh thái; Phân vùng biên: khoảng 356,6 ha, từ ranh giới quy hoạch vào đến phân vùng ngoại, đóng vai trò vùng đệm của khu di tích. Theo qui hoạch nói trên sẽ được bảo vệ và tiếp tục các nghiên cứu khảo cổ học tại các di chỉ hiện có.
Theo như qui hoạch nói trên, đối với những hộ dân sống trong khu vực vùng lõi của di sản, sẽ có phân vùng quản lý cụ thể. Đơn cử như kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng tại hai khu dân cư xóm Chợ và xóm Chùa: Nhà ở xây mới chiều cao dưới 9 m, không tăng mật độ xây dựng. Dẫu vậy, để phục vụ cho công tác khảo cổ học tìm kiếm tư liệu phục dựng Thành Cổ Loa, việc đi hay ở lại của người dân đang được cộng đồng rất quan tâm. Thời gian tới đây, việc triển khai thực hiện qui hoạch sẽ ra sao?
Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho hay: Trong khu vực I - khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt có các hộ dân đang sinh sống thì huyện Đông Anh, Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long cần phải lập các đề án chuẩn bị khu tái định cư để cho các hộ dân chuyển ra ngoài. Đây là qui định nghiêm ngặt của Luật Di sản văn hóa. Vấn đề thứ 2, khu vực vùng đệm (vùng II) rõ ràng bây giờ ta phải có qui chế để hạn chế những công trình xây dựng không đúng.
Được biết từ năm 2007, UBND TP Hà Nội đã giao Trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành Cổ Hà Nội (nay là Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội) thực hiện lập Đề cương nhiệm vụ Qui hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành Cổ Loa và lựa chọn đơn vị tư vấn tổng thầu lập quy hoạch là Viện Kiến trúc Qui hoạch Đô thị và nông thôn (nay là Viện Qui hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia).
Xác định đây là một đồ án qui hoạch khó, có tính đặc thù nên Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan triển khai các bước nghiên cứu lập qui hoạch một cách bài bản, đúng qui trình.
Trong quá trình lập qui hoạch nói trên, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã nhận được sự đóng góp ý kiến của cộng đồng dân cư tại địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia từ Viện Qui hoạch phát triển đô thị vùng Ile de France (IAU-IdF) và tư vấn nước ngoài của công ty IPROPLAND (Đức). Vì vậy, theo ông Tiến, trước mắt qui hoạch đã có chúng ta phải triển khai qui hoạch cho tốt, bằng việc xác định các mốc giới, các khu vực bảo vệ I, bảo vệ II cho rõ ràng.
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cũng cho rằng, việc để cho cư dân sinh sống trong lòng di sản chỉ là trong giai đoạn đầu thực hiện qui hoạch, nếu chưa thực hiện được quy định của Luật Di sản thì phải chấp nhận việc có sinh hoạt của người dân ở trong đó. Nhưng lâu dài phải quản lý chặt chẽ bằng các qui chế, qui định cụ thể. Trước hết là phải tuyên truyền, vận động cho nhân dân tuân thủ các quy định về Luật Di sản văn hóa.
Có thể nói việc đi hay ở của những người dân sống trong khu vực di tích Thành Cổ Loa đến thời điểm này vẫn đang là một câu hỏi lớn. Trong khi nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đang đề xuất việc giữ lại các hộ dân sống trong vùng lõi của di tích và tôn trọng sự cộng sinh trong lòng di sản. Bởi bài học về qui hoạch làng cổ Đường Lâm vẫn đang còn đó. Thực tế đã cho thấy, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, vai trò và quyền lợi của cộng đồng nên được nhìn nhận và đánh giá một cách thỏa đáng.