Bản quyền truyền hình EPL: Giá cao kỷ lục, vẫn có độc quyền?
Bản quyền truyền hình (BQTH) giải Ngoại hạng Anh (EPL) mùa giải 2016 - 2019, vừa được phía Anh chính thức gửi hồ sơ đấu thầu tới các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Từ nhiều năm nay, BQTH EPL luôn là vấn đề nóng bỏng và mỗi mùa giải lại xác lập một kỷ lục về giá bán của đối tác cũng như giá mua của các đơn vị truyền hình Việt Nam. Điều đáng nói là trước sự tăng giá như phi mã này, các nhà đài Việt Nam dường như vẫn muốn mua bằng mọi giá để độc quyền.
Bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh tới đây sẽ có giá cao kỷ lục.
Chắc chắn giá sẽ cao kỷ lục
khi phát tín hiệu bán bản quyền truyền hình ra ngoài lãnh thổ Vương quốc Anh, ban tổ chức giải EPL đã đạt được thỏa thuận với hãng truyền thông Sky để phát sóng nội địa từ năm 2016 – 2019 với số tiền lên đến gần 8 tỷ bảng, gần gấp đôi so với giai đoạn trước đó (4,6 tỷ bảng). Đây là con số kỷ lục trong môn thể thao vua, đồng nghĩa với việc giá BQTH giải EPL 3 mùa giải tới chắc chắn sẽ cao hơn so với những mùa trước.
Ngày 3/11, Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh cũng đã chốt danh sách các nhà thầu nước ngoài mua bản quyền truyền hình phát sóng giải đấu bên ngoài lãnh thổ Vương quốc Anh. Các đối tác trung gian này sau đó sẽ chào hàng cho tại các khu vực trên thế giới. Như vậy, để đến tay các đơn vị truyền hình Việt Nam, giá BQTH EPL sẽ qua thêm một khâu trung gian nữa.
Giá BQTH EPL tại Việt Nam những năm vừa qua đã tăng lên theo cấp số nhân. Cụ thể, năm 2002 - 2004, VTV đàm phán với công ty ESPN STAR SPORTS (Singapore). Mức giá được cho là vào khoảng 900.000 USD. Sau đó, VTV tiếp tục mua bản quyền 3 mùa giải 2004-2007 với giá khoảng 2 triệu USD. Năm 2007, VTC đàm phán với ESPN STAR SPORTS và mua được bản quyền 3 mùa giải tiếp theo 2007- 2010 với giá khoảng 4 triệu USD, tăng gấp đôi so với 3 mùa trước.
Mùa giải 2010- 2013, MP & Silva bán cho rất nhiều đài truyền hình và đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền tại Việt Nam, thu về gần 19 triệu USD. Khi đó, kênh K+ bỏ ra 9 triệu USD để độc quyền phát sóng các trận ngày chủ nhật. Ở mùa giải 2013-2016, giá EPL mới thực sự được đẩy lên cao trào, khi công ty IMG Media (Mỹ) vượt qua MP&Silva để giành chiến thắng tại lãnh thổ Việt Nam. Số tiền IMG chi ra khoảng gần 35 triệu USD cho 3 mùa, nhưng IMG Media cũng thu về tới hơn 40 triệu USD, sau khi bán cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình Việt Nam.
Đầu tháng 10/2015, Công ty The Premier League sẽ chính thức đấu giá bản quyền truyền hình bóng đá Anh tại Việt Nam cho 3 mùa giải 2016 - 2019. Theo dự đoán, gói bản quyền cho 3 mùa tới tại Việt Nam giá có thể gấp 2 lần so với 3 mùa 2013-2016, tức là các đơn vị truyền hình Việt Nam có thể bỏ ra số tiền tới gần 100 triệu USD để mua BQTH EPL.
Không mua bằng mọi giá
Trước vấn đề rất nóng bỏng liên quan BQTH EPL mùa giải 2016 - 2019, Bộ TT&TT đã chính thức có ý kiến. Ngày 2/11/2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ký Công văn số 3556 về việc mua bản quyền chương trình thể thao gửi Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; các đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền.
Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, Đài Truyền hình Việt Nạm, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền trong cả nước đoàn kết, nâng cao tinh thần vì lợi ích chung của đất nước, lợi ích cộng đồng xã hội, sự phát triển bền vững của ngành truyền hình nói chung, lĩnh vực truyền hình trả tiền nói riêng và vì quyền lợi của người xem truyền hình trên toàn quốc, cùng phối hợp chặt chẽ, chủ động trong đàm phán bản quyền Giải bóng đá ngoại hạng Anh trên tinh thần không chấp nhận mua bản quyền bằng mọi giá, hạn chế tối đa việc thông qua các đối tác trung gian làm tăng giá bản quyền và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để tránh bị mất kiểm soát, buộc phải chấp nhận những yếu tố bất lợi khi mua bản quyền (ép giá, độc quyền,...).
Ngoài ra, Bộ đề nghị các đơn vị phải rút ra kinh nghiệm từ 3 mùa giải trước, thành lập Ban đàm phán mua BQTH EPL với giá phù hợp nhất. Bộ TT&TT cũng đang khẩn trương nghiên cứu kinh nghiệm quản lý của một số nước trên thế giới, phân tích, đánh giá tình hình thực tế của Việt Nam để sớm đưa ra phương án và chính sách quản lý phù hợp nhất, nhằm công khai chính sách quản lý, điều tiết việc mua và chia sẻ bản quyền các chương trình truyền hình nước ngoài có giá trị cao.
Trao đổi với báo chí về vấn đề BQTH EPL, ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam nhấn mạnh: “Nhiều người muốn đề nghị đại diện cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu các đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền phải thống nhất với nhau mua BQTH giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2016 - 2019 ở mức độ có thể chấp nhận được. Nếu không thì sẽ thống nhất với nhau không mua nếu tăng lên với mức gấp 2-3 lần ba mùa giải trước”.