Minh bạch tài chính: Chìa khóa để tiếp cận nguồn vốn
Ngày 5/11, tại Hà Nội, Diễn đàn Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh do Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức. Trong khi 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có khả năng tiếp cận vốn thì một số ngân hàng lại mở ra cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới.
Cần thiết lập niềm tin ngân hàng-doanh nghiệp.
3 khó khăn của doanh nghiệp
TS Cao Sỹ Kiêm, Cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước hiện cũng là người chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa nhắc lại con số: Doanh nghiệp SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng chỉ được 30%, tỷ lệ 70% còn lại lúc được, lúc không nên trong quá trình hoạt động sản xuất rất lúng túng, khó khăn.
Thời gian qua, để hỗ trợ khối DN chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động này, phía cơ quan quản lý đã triển khai nhiều biện pháp. Nhưng kết quả thu về được rất mỏng. Ông Kiêm nói: “Quỹ hỗ trợ DN mới đưa ra chưa đi vào cuộc sống, quỹ bảo lãnh DN đưa ra rồi tụt lại, không làm được. DN buộc phải dựa vào ngân hàng, nhưng ngân hàng cũng gặp khó khăn với nợ xấu nên vốn mà DN được tài trợ chủ yếu là vốn ngắn hạn, vốn dài hạn rất khó”. Chưa kể, cửa hội nhập đã mở nhưng vốn ngân hàng cho doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư, chuẩn bị đón đầu các hiệp định thương mại là chưa có.
Giải thích rõ hơn tại sao mối quan hệ ngân hàng – doanh nghiệp bị cản trở, ông Kiêm nói, vì ngân hàng cũng chỉ mượn đầu heo nấu cháo, nấu cháo xong phải trả nguyên đầu heo. Vì vậy ngân hàng phải nhòm vào doanh nghiệp nào đủ trả nợ, có dự án tốt hay không mới cho vay. “Khó khăn đầu tiên mà khối DN SME đang gặp phải là không đủ tiêu chuẩn vay, không đủ điều kiện vay. Điều này khiến cho ngân hàng và doanh nghiệp như hai người chạy hai bên bờ sông, chạy mãi không gặp được nhau” – ông Kiêm nhấn mạnh.
Khó khăn thứ hai là nền kinh tế vừa trải qua một thời kỳ lạm phát, rồi giảm phát thất thường, giảm phát, sức khỏe doanh nghiệp yếu kém nên rời bỏ thị trường khá nhiều. Dữ liệu cập nhập mới nhất từ Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, chỉ mới đầu quý 4 năm 2015, đã có đến hàng trăm DN đóng cửa ngừng hoạt động. Điều này khiến cho ngân hàng hốt hoảng không dám cho vay vì sợ mất vốn.
Trước đó nữa, thì DN lại đi vay bừa bãi, gây hệ lụy hệ xấu đến giờ chưa giải quyết xong, từ đây tạo nên vòng luẩn quẩn. Tiếp cận vốn cho DN hiện vẫn còn vướng mắc về thủ tục.
Doanh nghiệp “chọn ngân hàng”
Khó khăn của doanh nghiệp là có thật, và nỗi khổ của ngân hàng cũng là có thật. Bài toán ngân hàng thiết lập niềm tin ngân hàng – doanh nghiệp dù đã được nhắc rất nhiều nhưng vẫn chưa có đáp án thỏa đáng.
Ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc phát triển kinh doanh SME, ngân hàng VPBank phản biện lại, việc khó tiếp cận vốn của doanh nghiệp là sức khỏe nội tại của DN, do không có tài sản đảm bảo. Ông thừa nhận thời gian qua, chi phí vốn (trong đó có lãi suất) cũng là khó khăn với DN nhưng nay lãi suất đã giảm nhiều, còn 8-9% ngắn hạn và 10-11% với dài hạn. Bản thân ngân hàng cũng triển khai thêm nhiều gói tín dụng có lãi suất hấp dẫn hơn.
Vẫn theo ông Tuấn, thông tin tài chính minh bạch là chìa khóa để DN tiếp cận ngân hàng. Phía DN cũng cần lựa chọn ngân hàng, coi ngân hàng là bạn hàng cung cấp. Quan hệ tín dụng lâu dài thì mới tạo được niềm tin.
Trong khi đó, Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng các TCTD cần chủ động mở rộng tín dụng cho các DNNVV trên cơ sở vừa đảm bảo hiệu quả, an toàn, phát triển bền vững trong hoạt động, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng để khai thác tối đa nguồn lực hiện có phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. TCTD xây dựng chính sách tín dụng riêng phù hợp với đối tượng khách hàng thông qua việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Tiến Đông đưa ra lời khuyên, bản thân các DNNVV phải tự hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống kế toán theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý để tăng khả năng cạnh tranh.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay mà các DN Việt Nam phải đối diện chính là vốn ít, nguồn lực yếu nên họ không thể mở rộng được quy mô sản xuất, kinh doanh, do đó các DN như vậy chỉ cần một “tổn thương nhẹ” là có thể “ngã ngựa giữa dòng”. Ông Dũng đề xuất, vốn là vấn đề đặc biệt quan trọng cần được nhà quản lý quan tâm, chú trọng hơn, tạo điều kiện để các DN có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, giúp họ thúc đẩy phát triển sản xuất, từ đó mới có thể vực dậy cả nền kinh tế - Ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Nam Khánh (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết. |