Lãi suất huy động tiếp tục tăng

Thanh Giang (thực hiện) 06/11/2015 15:09

Ngày 5/11, trả lời phỏng vấn PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thời gian tới lãi suất tiếp tục tăng trong khi điều kiện giảm lãi suất cho nền kinh tế hoàn toàn thực hiện được.

Lãi suất huy động tiếp tục tăng

TS Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, dư nợ tín dụng tăng trưởng cao nên ngân hàng tăng lãi suất huy động để thu hút người gửi nhiều hơn. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất ngân hàng tăng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, năm 2015 ngân hàng cho vay nhiều, kết quả dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh hơn cùng kỳ. Chính vì cầu tín dụng tăng cao nên ngân hàng đẩy lãi suất huy động và lãi suất cho vay lên. Thứ hai, nợ xấu tạo ra tình trạng ngân hàng bị hụt lớn thanh khoản và dòng tiền một đi không trở lại với ngân hàng. Ngân hàng cần tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng và nhu cầu dùng rút tiền của người dân. Đây chính là hình thức dùng tiền mới trả tiền cũ.

Theo ông, lãi suất ngân hàng có tiếp tục tăng?

- Tôi nghĩ rằng, lãi suất ngân hàng chưa dừng lại ở mức hiện nay và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Song mức tăng bao nhiêu thì không thể nói trước được.

Lãi suất huy động tăng, chắc chắn lãi suất cho vay cũng tăng. Vậy việc này có gây khó khăn cho DN trong những tháng cuối năm sản xuất kinh doanh đang vào mùa cao điểm?

- DN cần vốn để trang trải cuối năm như: Nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị, lương thưởng cho công nhân… Ngoài ra, cả DN và ngân hàng đều phải trả nợ cho đúng với thời hạn. Điều này vô hình trung tạo thành nhu cầu lớn về thanh khoản, lãi suất tăng cao. Thực tế cho thấy, lãi suất ngân hàng tăng thì chi phí vốn sản xuất sẽ tăng lên nhưng cả Chính phủ và ngân hàng Trung Ương đều không hạ lãi suất. Thậm chí, ngân hàng còn giữ biên độ an toàn về lợi nhuận, nếu không muốn nói là tăng cao. Kết quả, DN là đối tượng phải gánh chịu nhiều nhất.

Mức tăng lãi suất như hiện nay có ảnh hưởng hay tác động đến nền kinh tế không khi GDP tăng trưởng khá, lạm phát ở mức thấp thưa ông?

- Nói chung lãi suất tăng cả nền kinh tế đều bị ảnh hưởng. Điều bất cập của nền kinh tế thấy rõ, đầu năm lạm phát chưa đến 1%, còn tính đến thời điểm hiện tại lạm phát không trên 2% nhưng nghịch lý ở chỗ, lãi suất lại rất cao. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, phải hạ lãi suất xuống và chắc chắn là hạ được. Thế nhưng, giờ này việc hạ lãi suất hoàn toàn không đơn giản. Nguyên nhân của việc này chính là lợi suất trái phiếu Chính phủ khá cao. Nghĩa là Chính phủ cho vay với lãi suất 6% (cao hơn ngân hàng) và hệ số rủi ro hoàn toàn không có. Như vậy, trái phiếu Chính phủ đang tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất được đẩy lên chứ không thể giảm 2% như kỳ vọng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Giang (thực hiện)