Quy hoạch mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực: Phải gắn với quy hoạch phát triển vùng
Ngày 5/11, Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học RMIT (Úc) tổ chức hội thảo phát triển nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội thảo tập trung bàn về công tác hoạch định chính sách, quản lý, nghiên cứu về nguồn nhân lực và quản lý giáo dục, góp phần cải tiến nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển bền vững ĐBSCL trong tương lai.
Ảnh minh họa.
Tại Hội thảo, ông Võ Trọng Hữu - Vụ trưởng Vụ văn hóa xã hội Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: Để thực hiện tốt công tác phát triển nguồn nhân lực cho vùng, cần đẩy mạnh phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp trung học để góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô cơ cấu nghề; Xây dựng cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành mũi nhọn của tỉnh/thành. Tập trung củng cố tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo; Liên kết vùng, phối hợp giữa các trường ĐH, CĐ, để đào tạo nguồn nhân lực…
TS Vũ Anh Pháp - Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, nhận định: Qua 25 năm đổi mới, chưa có sự đột phá trong giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở ĐBSCL. Nguồn nhân lực ĐBSCL khá dồi dào nhưng chất lượng thấp nhất cả nước do hệ thống cơ sở đào tạo chưa phân bổ hợp lý, chương trình ngành nghề đào tạo, giảng viên chưa đáp ứng được như cầu, người dân cũng chưa nhận thức đúng cho việc đầu tư nâng cao năng lực. Các thành phần kinh tế chưa đầu tư hiệu quả phát triển nguồn nhân lực, chưa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chính những lý do trên mà TS Vũ Anh Pháp cho rằng: Hiện nay nguồn nhân lực ở ĐBSCL đang là nút thắt cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội quốc tế của vùng. Để tháo gỡ nút thắt này, theo TS Vũ Anh Pháp: Cần quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực gắn với quy hoạch phát triển vùng… đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo và thực hiện tốt công bằng xã hội, người nghèo, đối tượng thiểu năng đều có cơ hội tiếp cận đào tạo; đẩy mạnh đầu tư và hợp tác trong và ngoài nước…
PGS.TS Lê Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết, Chương trình Mekong 1000 góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Chương trình đã đào tạo được số lượng khá lớn cán bộ, công chức, viên chức trẻ, có trình độ, chuyên môn cao, phong cách làm việc hiện đại nhanh và hiệu quả…
Cũng tại Hội thảo, TS Eugene Sebastian - Trường ĐH RMIT (Úc) cho biết: Đây là cơ hội tốt cho chúng tôi đối thoại mang tính chiến lược, để cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác phối hợp đào tạo nguồn nhân lực. Từ đó tìm ra các giải pháp, tác động rõ ràng trực tiếp cho ĐBSCL trong phát triển nguồn nhân lực…