Nhà cho người thu nhập thấp
Theo ông Nguyễn Văn Đực, các chủ đầu tư cần hướng đến phân khúc nhà ở hẹp hơn (20-30m2) với giá chỉ khoảng 300 triệu đồng/ căn hộ, lúc đó những công nhân lao động với đồng lương ít ỏi may ra mới có cơ hội sở hữu được một căn nhà.
Nhà trọ của công nhân hết sức tạm bợ.
Phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp đã trở thành nhu cầu rất cấp bách hiện nay, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Tuy nhiên, con số thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây cho thấy, chỉ có khoảng 20% công nhân lao động – đối tượng thu nhập thấp có chỗ ở ổn định, 80% công nhân trong các khu công nghiệp đang phải thuê nhà trọ, chỗ ở tạm bợ…
80% công nhân ở trọ tạm bợ...
Tại các địa phương, số lượng công nhân lao động đến làm việc và ở trọ rất lớn. Một địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như Bình Dương hiện tại có xấp xỉ 900.000 công nhân. Còn lại, trung bình tại 21 tỉnh thành trên cả nước hiện nay, mỗi địa phương có lực lượng công nhân lao động từ khoảng chục ngàn lên tới hàng trăm ngàn người.
Như vậy, có thể thấy, nhu cầu nhà ở đối với công nhân luôn ở mức cao. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, còn lại đến 80% công nhân trong các khu công nghiệp đang phải thuê nhà trọ, chỗ ở tạm bợ, xập xệ với diện tích sử dụng bình quân chỉ khoảng 2-3m2/người. Các khu nhà trọ mà công nhân đang thuê hiện nay hầu hết thiếu ánh sáng, ẩm thấp, chật chội, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.
Từ thực tế, Nhà nước đã có những chính sách nhằm khuyến khích các DN đầu tư và hỗ trợ người mua nhà với giá trị thấp hơn giá thị trường (nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp), nhưng do nhu cầu về nhà ở xã hội quá lớn, nên các DN vẫn không thể đáp ứng đủ nguồn cung.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, phần lớn thu nhập của công nhân lao động hiện nay chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/ tháng, trong khi nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp vẫn được rao bán với giá không dưới 500 – 600 triệu đông/ căn hộ.
Như vậy, với đồng lương eo hẹp của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay, không ai có thể gom đủ tiền để mua được một căn hộ cho riêng mình. “Giá nhà thu nhập thấp như vậy là vẫn cao so với mức thu nhập trung bình của công nhân lao động hiện nay”. – ông Đực đánh giá.
Giá nhà thu nhập thấp vẫn không thấp
TS Phạm Sỹ Liêm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần phải thay đổi tư duy “sở hữu nhà” sang tư duy có chỗ ở ổn định. Do đó, người thu nhập thấp không nhất thiết phải sở hữu nhà, vì số tiền quá lớn, không đủ sức đối với họ, có thể chuyển sang thuê nhà. Các chủ đầu tư cũng nên hướng đến phân khúc nhà ở cho thuê với giá rẻ trong thời gian tới. |
Đánh giá về các gói tín dụng ưu đãi trong thời gian qua, ông Lê Quang Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị cho rằng, mặc dù đã có các cơ chế để tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội vay vốn mua nhà từ các gói hỗ trợ như gói 30.000 tỷ đồng, song trên thực tế, người dân và DN không dễ tiếp cận.
“Theo quy định, đối tượng được mua nhà ở xã hội phải có mức thu nhập dưới mức thu nhập chịu thuế (dưới 9 triệu đồng/ tháng) nhưng đối với các ngân hàng, đây lại là các đối tượng khó có khả năng trả nợ. Ngoài ra trên thực tế, các đối tượng này cũng chỉ có thể được vay tối đa 50% giá trị căn hộ và phải tự trả bằng tiền của mình đối với phần còn lại nên, với mức thu nhập của công nhân hiện nay, đây là việc vô cùng khó”.
Theo ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay tại các địa phương chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh, mà chưa chú trọng đến nhu cầu ở tối thiểu của công nhân lao động như nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, khu vui chơi giải trí...
Theo thống kê trên cả nước, trung bình chỉ có một doanh nghiệp/địa phương tự xây dựng hoặc đi thuê nhà cho công nhân. Với khả năng thu nhập hiện nay của hầu hết công nhân lao động, giới chuyên gia cho rằng, để công nhân có thể sở hữu được một căn nhà với giá 600 – 700 triệu đồng/ căn hộ là rất hãn hữu.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, các chủ đầu tư cần hướng đến phân khúc nhà ở hẹp hơn (20-30m2) với giá chỉ khoảng 300 triệu đồng/ căn hộ, lúc đó những công nhân lao động với đồng lương ít ỏi may ra mới có cơ hội sở hữu được một căn nhà.
Ông Đực cho biết, tại Bình Dương, 5.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 1 đã được giao đến tay công nhân có mức thu nhập thấp. Gần như 100% là các căn hộ có diện tích chỉ 30m2. “Các chủ đầu tư tại địa phương khác cũng có thể thực hiện được những dự án như vậy” – ông Đực nhận định.