Sưu tầm sách: Nghề chơi cũng lắm công phu
Tại buổi giao lưu và chia sẻ “Sưu tầm sách – Nghề chơi cũng lắm công phu” diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội sách cũ TP HCM 2015 được khai mạc sáng 6/11, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc bày tỏ, lâu lắm anh mới đi một hội sách thú vị như thế này.
Nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà sưu tầm sách Phạm Thế Cường
tại buổi giao lưu. (Ảnh: Hồng Phúc).
Đó là không chỉ tìm mua được những cuốn sách văn chương từ những thập niên trước, còn thấy cả tác phẩm của những bạn văn, bạn thơ cùng thời với mình. “Vui bởi vì tác phẩm của bạn bè được giới thiệu đến công chúng, vui bởi văn hóa đọc vẫn còn chỗ đứng trong thời công nghệ và vui bởi những năm tháng cũ chợt ùa về trên từng trang sách”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc kể, khi cầm trên tay những cuốn sách cũ có từ những năm 1945, 1946, thì từ khổ sách đến màu giấy đều như gợi lên trong anh hình ảnh về những cọng rơm vàng, những hạt thóc – những thứ thật xa xỉ trong những năm tháng khó khăn của đất nước.
Nhà báo Lê Công Sơn thì bày tỏ hạnh phúc của mình vì “bữa nay dạo quanh những đầu sách của ngày xưa cũ”. Thời mà anh chỉ ao ước có được những cuốn như “Góc xanh và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa) hay cuốn “Xuân Quỳnh, thơ và đời” (Vân Long sưu tầm và tuyền chọn).
Giao lưu tại chương trình, nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn chia sẻ về thói quen đọc sách mỗi ngày của mình. Anh cho biết, mình yêu sách từ lúc còn ở giảng đường ĐH, ra trường bận rộn với công việc, nhưng cứ lúc nào rảnh rỗi thì lại ôm lấy sách đọc ngấu nghiến.
“Yêu sách cũng có nghĩa là bạn đã bày tỏ một cảm xúc nào đó khi đọc chúng theo cách thật hồn nhiên”, Huy Sơn nói.
Đồng tình với nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn, nhà thơ Lê Minh Quốc hào hứng chia sẻ thêm về thú “chơi sách có chữ ký tác giả” của mình. Nhiều bạn đọc khi tham gia chương trình giao lưu với tác giả cuốn sách, được ký tặng. Cuốn sách ấy có thể lúc này chưa có giá trị ngay nhưng nhiều năm sau thì giá trị vô ngần.
Ông Phạm Thế Cường là cán bộ quân đội nghỉ hưu, cho biết, ông từng có 2 bản chữ ký của nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong đó có chữ ký ở cuối trang cuốn sách Thanh Đạm (1943) rất quý.
Sau cách mạng, ông có dịp đến gia đình của nhà văn và được biết thêm một loạt các chữ ký khác nhau nữa của Nguyễn Công Hoan. Từ đó, ông có thói quen sưu tầm chữ ký các nhà văn và còn tìm hiểu thêm sự khác biệt của các chữ ký ấy qua thời gian nữa.
“Sẽ thật lý thú là các bạn sẽ hiểu hơn về một nhân cách của nhà văn, nhà thơ mà mình đang sưu tầm chữ ký”, ông Cường chia sẻ…