Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi): Bảo vệ tốt hơn quyền trẻ em

Lan Hương 07/11/2015 09:38

 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Với 6 chương, 96 điều (tăng 36 điều so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành). Dự thảo Luật lần này được sửa đổi dựa trên những quan điểm đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi): Bảo vệ tốt hơn quyền trẻ em

Bảo vệ và chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội.

Quyền được bảo vệ khỏi bị xâm hại, bạo lực

Theo thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang, bị xâm hại tình dục chiếm 11,6%. Bên cạnh đó theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 1.000 vụ xâm hại tình dục, năm sau thường cao hơn năm trước.

Trong đó, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65%. Năm 2014, cả nước đã xảy ra 839 vụ xâm hại tình dục đối với người vị thành niên (tăng 1,2% so với năm 2013 và chiếm 60% số vụ xâm hại trẻ em)…

Đáng lo ngại tình trạng loạn luân (bố đẻ hiếp dâm con gái; bố dượng hiếp dâm con gái riêng của vợ; anh trai hiếp dâm em gái) hay tình trạng hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ em, thầy giáo xâm hại học sinh… đang có chiều hướng gia tăng.

Đứng trước thực trạng trên, nhằm bảo vệ trẻ em, Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) sửa đổi đã quy định chức năng của hệ thống bảo vệ trẻ em, các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp và bảo vệ trẻ em tức là theo ba cấp độ. Đây là nét mới được quy định trong Dự thảo Luật BVCSGDTE sửa đổi.

Theo đó, Dự thảo Luật BVCSGDTE sửa đổi nêu rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ, chăm sóc khỏi mọi hình thức bạo lực thể chất, tinh thần. Mọi hành vi bạo lực với trẻ em phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời, đảm bảo không gây thêm tổn hại cho trẻ em.

Hạn chế việc đưa trẻ vào trại mồ côi

Cùng với bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo lực, Dự thảo Luật lần này đã quy định 9 điều về chăm sóc thay thế, đặc biệt là hình thức chăm sóc thay thế tại cộng đồng và gia đình, được người thân chăm sóc và nuôi dưỡng, được gọi là “chăm sóc nhận nuôi tại cộng đồng”.

Trên thực tế, để bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc đã có khuyến cáo các nguyên tắc chăm sóc thay thế. Luật năm 2004 cũng đã có các quy định liên quan đến chăm sóc thay thế tại các Điều 41, Điều 42, Điều 43 và Điều 51. Việc cho, nhận con nuôi cũng đã được quy định khá đầy đủ tại Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn liên quan đến nuôi con nuôi.

Tuy nhiên, chăm sóc thay thế ở nhiều quốc gia không chỉ liên quan đến các quy định pháp lý mà còn là vấn đề đạo đức, tâm lý. Trong khi đó hệ thống pháp luật Việt Nam chưa quy định đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về chăm sóc thay thế, đặc biệt là các quy định tách trẻ em khỏi cha, mẹ đẻ; cho, nhận chăm sóc thay thế bởi người thân; hoặc bởi cá nhân, gia đình không phải người thân. Bên cạnh đó, việc giám sát quá trình chăm sóc thay thế còn “bỏ ngỏ” do còn thiếu đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp nhằm hỗ trợ, giám sát và đánh giá việc chăm sóc thay thế để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm quyền trẻ em được nhận nuôi.

Chính vì vậy, đối với trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không có cha, mẹ chăm sóc; trẻ em tạm thời không có sự chăm sóc của cha, mẹ; khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo mà cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, Dự thảo Luật đưa ra giải pháp “chăm sóc thay thế” và dành 9 điều quy định chi tiết các trường hợp trẻ được nhận sự chăm sóc thay thế; các hình thức thực hiện; nguyên tắc; điều kiện được cho, nhận; trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân, đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế; đăng ký, lựa chọn cá nhân, gia đình; thẩm quyền quyết định; đưa trẻ vào cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em; theo dõi, đánh giá trẻ; chấm dứt chăm sóc thay thế.

Tại hội thảo mới đây, khi đề cập tới vấn đề này, đa số các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng việc chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế tại các cơ sở tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ có cơ hội phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần nếu được chăm sóc thay thế bởi gia đình khác. Do đó, khoản ngân sách trợ cấp hiện nay thay vì cấp cho các trung tâm sẽ hỗ trợ cho những “gia đình thay thế” vừa giúp trẻ mồ côi có cuộc sống đảm bảo hơn, đồng thời hạn chế được những thất thoát, tiêu cực không đáng có.

Lan Hương