Nâng cao năng lực sinh viên theo chuẩn đầu ra

Phương Linh 07/11/2015 10:01

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) tổ chức toạ đàm về Chuẩn đầu ra và phát triển chương trình đào tạo. Tại đây, các ý kiến trao đổi đều đề cập tới trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng khung trình độ quốc gia. 

Nâng cao năng lực sinh viên theo chuẩn đầu ra

Mỗi nhà trường cần chủ động tăng cường nâng cao năng lực sinh viên.

Nói về việc này, PGS.TS Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH cho biết, trong tuần qua Hội đồng quốc gia giáo dục đã họp và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH khẩn trương thực hiện ngay khung trình độ quốc gia đối với GD. Sau khi có khung trình độ quốc gia, các nhà trường sẽ dựa vào đó để xây dựng chuẩn, xây dựng chương trình.

Cần thực hiện đồng nhất

Theo báo cáo tình hình xây dựng và công bố chuẩn đầu ra giai đoạn 2010-2015 của Vụ GDĐH cho biết: Năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các cơ sở GDĐH xây dựng chuẩn đầu ra đối với các ngành đào tạo của mỗi cơ sở giáo dục. Hầu hết các trường đã xây dựng, công bố chuẩn đầu ra trên trang thông tin điện tử của trường. Đến hết 15/8 đã có 182 trường báo cáo về Bộ tình hình đầu ra giai đoạn 2010-2015. Tỷ lệ công bố chuẩn đầu ra ở trình độ CĐ là 93,15%; trình độ ĐH là 98,42%; trình độ Thạc sĩ là 53,09%; trình độ TS là 41,94%.

Vụ GDĐH nhận định: Chuẩn đầu ra của một số chương trình đào tạo (CTĐT) của một số trường đã bước đầu thể hiện được một số yêu cầu theo thông lệ của các nước trên thế giới. Chuẩn đầu ra của một số CTĐT được xây dựng trên cơ sở điều tra, khảo sát yêu cầu nhân lực của thị trường lao động. Việc xây dựng chuẩn đầu ra bước đầu giúp các trường nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội và thực hiện cam kết về chất lượng đối với người học.

Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế, vẫn còn một số tồn tại như: chuẩn đầu ra còn quy định chung chung, định tính, thiếu minh chứng đo lường và đánh giá; chưa thể hiện được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm của người học sau khi tốt nghiệp, chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; chuẩn đầu ra của một số CSĐT chưa gắn với CTĐT, mục tiêu hay nội dung giảng dạy, phương pháp dạy học…

Nguyên nhân chủ yếu của một số tồn tại trên, do chưa xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc gia và Khung trình độ quốc gia làm cơ sở xác định chuẩn đầu ra của các CTĐT. Trong đó cũng có phần nhiều nguyên nhân từ phía sử dụng lao động và các cơ sở GDĐH. Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên về vai trò, tầm quan trọng của chuẩn đầu ra chưa thống nhất, đồng bộ...

Quan trọng nhất là sự chủ động

Theo ông Phạm Quang Vinh - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, sau khi thảo luận cùng một số trường, đã thống nhất ý kiến: Việc xây dựng CTĐT theo chuẩn đầu ra là một việc làm cần thiết. Việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đổi mới của GDVN đi theo xu hướng đổi mới, hội nhập quốc tế. Xu hướng này giúp cho các trường ĐH nâng cao được chất lượng của mình và hoàn thành sứ mệnh đáp ứng nhu cầu CNH - HĐH.

Tuy nhiên tất cả các trường cho rằng, mặc dù rất cần thiết nhưng cũng có những khó khăn về thời gian, quyền lực, sức lực… nên việc xây dựng lại toàn bộ CTĐT theo hướng chuẩn đầu ra là việc làm không dễ. Phần lớn các trường đều cho rằng đã có xây dựng CTĐT rồi, nhưng chưa làm rõ được chuẩn đầu ra là gì.

Khi nói tới chuẩn đầu ra thì đúng là liên quan đến việc học của sinh viên, nhưng còn liên quan tới cả toàn bộ hệ thống từ trên xuông dưới, từ cấp trung ương đến bộ môn, liên quan tới người dạy, người học, người tuyển dụng, là sự gần kết các chủ thể trong một, đòi hỏi phải có chính sách rất rõ ràng cũng như quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất cụ thể cũng như sự đầu tư. Các trường đều nhấn mạnh đến chương trình đã được sử dụng, nhấn mạnh việc phải thực hiện từ ý tưởng đến vận hành như thế nào…

Ông Vinh cho rằng: Với các trường ĐH trong điều kiện hiện nay mới chỉ xây dựng trên kinh nghiệm bản thân chứ chưa có sự thống nhất, và các trường ĐH phải có sự tham gia vào. Hiện nay hướng dẫn của Bộ rất quan trọng nhưng cái quan trọng hơn là sự chủ động của các trường ĐH.

Các trường phải xác định được sứ mệnh của mình, mục tiêu của mình, đội ngũ của mình và khảo sát xem nhu cầu xã hội thế nào để có chuẩn đầu ra phù hợp. Chắc chắn vẫn phải từ khâu quan trọng đầu tiên là nhớ, sau đến hiểu,vận dụng, phân tích, và sáng tạo. Năm cấp độ đó chắc chắn là điều cần thiết cho tất cả ngành học, và tuỳ điều kiện của từng trường.

“Có lẽ đề xuất của chúng tôi, trong tương lai, cho dù chúng ta đã thực hiện được 5 năm nay rồi nhưng vẫn cần có sự trao đổi thảo luận rộng trong toàn bộ hệ thống để có nhận thức chung. Quan trọng là nâng cao nhận thức, vì hiện nay nhận thức vẫn còn chưa cao, chưa rõ, chưa đồng bộ”.

Tương tự, ông Trần Đình Quang - Trường ĐH Vinh khẳng định: Chúng tôi tán thành quy trình xây dựng chuẩn đầu ra, là phải xuất phát từ yêu cầu về kỹ năng, thái độ của từng công việc, từng nghề, hồ sơ năng lực… Chuẩn đầu ra là cơ sở để phát triển chương trình. Sản phẩm đào tạo ra mới đáp ứng yêu cầu việc làm, xã hội.

Để có hiệu quả hơn, có tính khả thi hơn, làm cơ sở tốt hơn cho CTĐT, ông Quang thay mặt nhóm thảo luận đưa ra ý kiến đề nghị Bộ cần sớm ban hành khung năng lực quốc gia, đây là nền tảng để các trường bám vào làm CSĐT. Còn chúng ta bám vào thị trường thì có hạn chế vì mang tính vùng miền phát triển không cao, giai đoạn cũng khác nhau. Có một khung quốc gia sẽ tiện lợi hơn nhiều.

Các trường cũng mong muốn cần có việc xây dựng chuẩn đầu ra chung cho từng ngành, nhóm ngành. Vì cùng đào tạo ra là kỹ sư nông nghiệp nhưng kỹ sư nông nghiệp ở Hà Nội khác với Vinh, khác với Cần Thơ… đã là kỹ sư nông nghiệp phải có chuẩn chung, tránh trường hợp có ngành đào tạo ra dưới chuẩn.

“Khi chúng ta làm chuẩn đầu ra, chúng ta rất khó khăn điều tra năng lực nghề nghiệp. Điều tra này không đủ thờ gian, kinh phí để làm toàn quốc mà thường làm theo vùng. Nhưng Hà Nội khác với ở Thái Nguyên, khác với Vinh… Khi mà khác như vậy thì chuẩn phải khác nhau, cho nên rất mong các đơn vị quản lý ban hành một cái gọi là chuẩn nghề nghiệp để cho thống nhất hơn, và các trường đỡ tốn kém. Ví dụ chuẩn kỹ sư xây dựng…”

Ông Quang đề nghị thêm, cần phải có khung chính sách để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình đào tạo. Đặc biệt trong việc xây dựng CTĐT, tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, kiến tập…

Trước những ý kiến của lãnh đạo các trường, PGS. TS Đặng Quang Việt chia sẻ: Về khung trình độ quốc gia, hiện nay chỉ còn Việt Nam, Myanmar và Lào chưa công bố. Còn các nước ASEAN họ công bố hết rồi. Chúng ta sẽ phải khẩn trương thực hiện. Bộ sẽ có văn bản chỉ đạo chung, còn việc xây dựng, Hiệu trưởng các trường sẽ chịu trách nhiệm.

Ông Việt cho biết thêm: Trong năm, Hiệp hội các trường ĐHSP đã nhóm họp với nhau, giao cho trường ĐHSP Hà Nội xây dựng chuẩn chung, rồi xây dựng chuẩn riêng từng chương trình một cho các mã ngành. Các khối trường khác tôi nghĩ cũng thế thôi, cần chuẩn bị làm. Nếu như cần sự hỗ trợ Bộ cũng sẽ bắt tay, cùng khâu nối lại, để có thể xây dựng chuẩn chung từng mã ngành, khối ngành cho các trường có đào tạo ngành đó trên toàn quốc.

Phương Linh