Phiến quân IS sử dụng vũ khí hóa học ở Syria
Một bài báo của AFP dẫn nguồn một tổ chức quan sát vũ khí hóa học quốc tế hôm 6/11 cho hay, khí độc hóa học đã được sử dụng trong một cuộc đụng độ giữa tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và một nhóm phiến quân khác tại một thị trấn ở Syria.
Chiến sự ở Syria sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều nếu có sự xuất hiện
của vũ khí hóa học (Nguồn: Reuters).
Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã đưa ra một Báo cáo mật từ hôm 29/10, trong đó nói về sự xuất hiện trở lại của vũ khí hóa học trong các cuộc đụng độ trên lãnh thổ Syria. Kết luận của báo cáo trên khẳng định rằng “có ít nhất 2 người đã chịu ảnh hưởng của khí độc sulfur vào hôm 21/8 vừa qua” tại thị trấn Marea, phía Bắc thành phố Aleppo.
“Có nhiều khả năng ảnh hưởng của khí độc hóa học này đã gây nên cái chết của một trẻ em” – Báo cáo cho hay.
Đáng chú ý, hiện vẫn chưa rõ nhóm phiến quân nào đang hoạt động ở Syria đã sử dụng loại khí độc nói trên, trong khi OPCW không có nhiệm vụ tìm ra kẻ đứng đằng sau sự việc này.
Được biết khí độc sulfur gây nên những vết bỏng chậm và nghiêm trọng cho mắt, da và phổi của con người. Cùng ngày, Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn ngoại giao cũng khẳng định rằng việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc đụng độ giữa IS và một nhóm nổi dậy tại thị trấn Marea là có thực.
“Sự việc này đã đặt ra câu hỏi lớn rằng lượng khí độc hóa học này từ đâu mà có” – Reuters dẫn nguồn tin nói trên cho hay – “Dù là họ có khả năng tự chế loại chất độc này, hay lượng khí độc đến từ một kho vũ khí nào đó bị IS chiếm được…thì đều là điều đáng lo ngại”.
Chính quyền Syria đã giao nộp kho vũ khí hóa học của họ từ cách đây 18 tháng, và trong số đó bao gồm cả khí độc sulfur. Syria cũng đã trở thành thành viên của OPCW kể từ hồi tháng 10/2013. Động thái này diễn ra sau khi cộng đồng quốc tế lên án một số vụ tấn công có xuất hiện vũ khí hóa học, như vụ tấn công ở Ghouta hồi tháng 8/2013, vụ việc mà chính quyền Syria và phe nổi dậy liên tục đổ lỗi cho nhau.
Hồi tháng 8 vừa qua, Đặc phái viên Syria tại LHQ Bashar Jaafari đã bác bỏ các tuyên bố cho rằng đất nước họ sử dụng vũ khí hóa học và khẳng định: “Chính phủ Syria đã không sử dụng và sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học nữa”. Vị quan chức này cũng thêm rằng chính quân đội chính phủ cũng từng bị tấn công bằng vũ khí hóa học.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho hay OPCW đã công bố 3 báo cáo với các nước thành viên hôm 29-10 vừa qua về vấn đề vũ khí hóa học. Ông Kirby nhấn mạnh rằng “2 trong số 3 báo cáo trên tỏ ra rất bất ổn. OPCW đã xác nhận có việc sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc điều tra của họ”.
Ông Kirby còn thêm rằng OPCW đã phát hiện ra việc sử dụng một số loại chất độc hóa học khác, trong đó có độc chất Chlorine, tại tỉnh Idlib – vùng lãnh thổ đang bị phe nổi dậy kiểm soát ở Syria.
Hiện nay, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đang tiếp tục xem xét cả 3 báo cáo của OPCW để quyết định xem liệu có phải tổ chức phiến quân IS đang sử dụng vũ khí hóa học nhằm gây ra tội ác chống lại loài người hay không.
Thời gian qua, có nhiều báo cáo cho thấy phiến quân IS còn sử dụng cả đạn pháo chứa hơi độc hóa học nhằm tiêu diệt lực lượng người Kurd ở miền bắc Iraq hồi tháng 8 vừa qua.
Trước đó, hồi tháng 9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng cảnh báo rằng phiến quân IS đã nắm giữ được một số tài liệu nghiên cứu khoa học cần thiết để sản xuất được một số loại vũ khí hóa học.
“Đã có một số thông tin về việc IS có được các tài liệu khoa học-kỹ thuật phục vụ cho việc sản xuất vũ khí hóa học, đánh chiếm các nhà máy sản xuất chất hóa học, đào tạo chuyên gia nước ngoài để phục vụ cho các hoạt động ngầm nhằm chế tạo các độc chất hóa học” – bà Zakharova nói.