Sống trong từng khoảnh khắc
Chọn lối đi trong cuộc đời không áp đặt, không “ngược chiều” mà bằng trí tuệ và niềm tin để tìm ra đích đến. Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo là một người như vậy.
Giáo sư Đỗ Quang Hưng bên Hồ Gươm. (Ảnh: Hoàng Long).
1. Chúng tôi thường gọi ông bằng cái tên trìu mến: thầy Hưng. Thật may ông vui vẻ chấp nhận, dù rằng chỉ số ít chúng tôi được làm học trò của thầy. Thực sự ông là một người thầy lớn mở lối cho nhiều người tiệm cận với công tác tôn giáo- vấn đề được coi là “quan trọng và phức tạp” trong đời sống chính trị hiện nay. Nhưng có nhiều bài học mà thầy Hưng mang lại còn lớn lao hơn thế.
Ông hiện sinh trong cuộc sống bằng rất nhiều công việc từ giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho đến sử học, kiêm nghiên cứu lịch sử chính trị. Bao năm qua, đan xen những chuyến công tác ngược xuôi của Mặt trận, Chính phủ, Quốc hội, ông vẫn trở về để bước lên bục giảng. Hiện ông còn làm Chủ nhiệm Bộ môn Nghiên cứu lịch sử chính trị quốc tế của Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn.
Thầy Hưng tự tạo cho mình một triết lý: sống trong từng khoảnh khắc, thiêng liêng như một tôn giáo. Tôn giáo là đức tin, và nếu có, trong tôn giáo của riêng mình, thầy Hưng mang một “đức tin mở” với niềm tin yêu cuộc sống, khao khát học hỏi, tôn trọng những giá trị khác biệt và chọn lọc theo giá trị mà ông thấy hợp với mình.
Khát vọng đó giúp cho ông luôn tư duy. Cho nên có năm, như năm vừa rồi cứ vài tháng thầy Hưng lại xuất bản 1 quyển sách như: Chính sách Tôn giáo và Nhà nước pháp quyền; Nhà nước- Tôn giáo- Luật pháp; Quan hệ nhà nước- Giáo hội- Chính sách Tôn giáo. 1 năm ra 3 cuốn sách là chuyện không đơn giản với người trong nghề, vì hiện nay số lượng người nghiên cứu về tôn giáo ở Việt Nam rất hiếm, người hiểu biết về luật pháp tôn giáo tuyệt nhiên càng không. Còn với riêng thầy Hưng, đây là kết quả tất yếu của gần 20 năm nghiên cứu, trong đó, phần lớn là “cơm nắm” tự học.
Sách do thầy Hưng viết là một chuyện, nhưng sách trong tủ sách của thầy lại là một câu chuyện thú vị khác. Còn nhớ, có hôm, tôi gọi điện xin ý kiến thầy góp ý cho dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, thầy bảo “mình đang bù đầu với một mớ hỗn độn kinh khủng”.
Chỉ khi đến nhà thầy mới vỡ òa “mớ hỗn độn kinh khủng” ấy chính là hơn 1 vạn cuốn sách. Dường như căn nhà nhỏ nằm nép mình trong làng Quan Nhân, Hà Nội ấy, chỉ có 2 tầng dành cho gia đình, 2 tầng còn lại là để cho sách “ở”.
Hơn 1 vạn cuốn sách nhưng điều quan trọng đều là sách quý. Bộ sưu tập sách của thầy Hưng gần như một thư viện về lịch sử Việt Nam cận đại, gồm có sử Việt Nam cận đại, lịch sử Việt Nam, lịch sử văn hóa cận hiện đại và đặc biệt là tôn giáo.
“Những cuốn sách mà tôi tích lũy cả đời” thầy Hưng chia sẻ và hào hứng mường tượng tới kế hoạch cuối năm nay, ông sẽ dành thời gian gần 1 tháng để cùng học trò sắp xếp lại bộ sưu tập giá trị này theo đúng quy trình của một thư viện, cũng là cách tạo thêm “không gian sách” để ông chia sớt với bạn bè yêu quý.
“Kinh nghiệm cuộc đời dạy tôi một điều, đừng ảo tưởng bất cứ thứ gì, đừng bao giờ nghĩ mình lúc nào cũng đúng. Nhưng nếu cứ “trùm chăn” không làm việc gì thì cuộc sống sẽ quên anh ngay. Không phải đóng góp với đời việc gì to tát đâu mà đóng góp được chút nào hay chút đấy. Mỗi người hãy thắp lên một ngọn lửa. Hãy hiện sinh bằng từng khoảng sống, hãy sống trong từng khoảnh khắc” |
2. Trở về địa hạt của mình- công tác tôn giáo, cái duyên tất yếu để ông được ở trong “ngôi nhà Mặt trận”. Từ lâu ông đã ký thác nhiều dự cảm mới về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam- với lịch sử 85 năm hình thành và phát triển từ những hình thức tổ chức độc đáo như Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam...đã tạo nên một kinh nghiệm chính trị, xứng đáng là một trong những di sản đáng giá nhất của cách mạng Việt Nam.
Trong sự liên tưởng của thầy Hưng, ở Việt Nam không thể có lực lượng xã hội nào, tổ chức xã hội nào có lợi thế để tạo ra những quy tắc tin cậy như Mặt trận. Đặc biệt khi Mặt trận đã có chức năng giám sát, phản biện xã hội, có thêm địa vị pháp lý mới…những công cụ hữu hiệu để đảm đương tốt hơn vai trò là người đại diện cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo.
Theo GS Đỗ Quang Hưng, qua rồi cái thời xem tôn giáo như là “thuốc phiện” và hàng loạt những vấn đề khác, đã đến lúc phải nhìn nhận tôn giáo cũng là một phương cách của nhận thức. Bởi vì Chủ nghĩa Mác nói rằng, loài người chỉ có thể tiệm cận được chân lý tối thượng cao nhất chứ không bao giờ có thể chạm được chân lý. Nhưng tôn giáo lại dạy con người một nguyên lý “hãy tin đi rồi sẽ hiểu” chứ không phải cứ nói “tôi hiểu là tôi mới tin”. Vẫn có những người lợi dụng tôn giáo nhưng về mặt tích cực, tính nhân bản của tôn giáo thì không ai phủ nhận được. Đó là việc dạy cho con người cách ứng xử, cách sống trong xã hội.
Vì thế, khi nghiên cứu về tôn giáo, thầy Hưng đã nhận ra được hai vấn đề. Thứ nhất là có cách nghĩ lớn về phương pháp, kể cả những ứng xử, nhìn nhận trong cuộc sống tạo cho mình tình cảm, cách nhìn. Thứ hai tôn trọng chân lý, tôn trọng kiểu sống mà hàng nghìn năm nay người tôn giáo đích thực đã lựa chọn. Vì bất kì một chế độ chính trị nào cũng không thể quản lý trái tim và khối óc của con người như tôn giáo.
Trong câu chuyện bên Hồ Gươm một ngày chớm đông, thầy Hưng cho rằng, tôn giáo là một cộng đồng đức tin. Đạo nào cũng vậy. Đường dây liên lạc với Chúa, Đức Ala, với Phật đều là hệ thống đức tin. Thường thì cộng đồng đức tin coi trọng giáo luật hơn luật đời. Họ vẫn là công dân vì họ vẫn sống và làm việc theo pháp luật nhưng trong những trường hợp cần thiết bỏ lá phiếu cho một số vấn đề liên quan đến tôn giáo, họ sẽ để giáo luật lên trên luật đời. “Phải nhìn ra đây là một kinh nghiệm để Mặt trận thử thách mình trong công tác tập hợp, vận động các tôn giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thầy Hưng khẳng định.
Nhớ lại năm trước, tôi gặp thầy ở Quảng Bình trong dịp ông làm giảng viên ở lớp tập huấn cho cán bộ Mặt trận Lào. Khi ấy, ông đã hồ hởi chia sẻ về những điều ấn tượng trong Dự thảo Luật Mặt trận chuẩn bị trình Quốc hội, đồng thời cũng âu lo cho những bước đi cẩn trọng đầu tiên trong việc hoàn thiện Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Sau một năm nhìn lại, vẫn tinh thần ấy, thầy Hưng cho rằng, Luật Mặt trận đã được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng bắt đầu được đưa ra Quốc hội kỳ này để lấy ý kiến, viễn tượng về sự ra đời của bộ Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng không còn xa nữa. Tất cả những điều này là động lực để cho ông và Hội đồng Tư vấn tôn giáo của Mặt trận dấn thân, thử sức trong những nhiệm vụ khó khăn hơn.
3. Trong những người có tiếng nói phản biện sắc sảo, thầy Hưng luôn được nhớ tới với một lối diễn ngôn đẹp dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi thầy đứng trên bục giảng, khi phản biện ở Mặt trận, kể cả khi trà dư tửu hậu bên những hành lang kỳ cuộc hội họp hay trong chính căn nhà ấm cúng của thầy. Sự ảo diệu trong ngôn ngữ cuốn hút người nghe đến lạ kỳ kể cả khi vấn đề đưa ra vô cùng “chính trị”, vô cùng “Mặt trận”. Cho nên khi biết thầy từng là nhà thơ, từng là hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội và hai lần có thơ đạt giải, mọi thắc mắc về thầy thêm một lần được hé mở.
Sinh ra trong một gia đình trí thức gốc Hà Nội, bố là nhà văn Đỗ Quang Tiến, mẹ là nhà văn Âu Thị Hường- những thế hệ nhà văn cầm bút trước cách mạng, khung cảnh văn chương đã ngấm vào máu và trong muôn ngả rẽ của cuộc đời, chàng thanh niên Đỗ Quang Hưng ngày ấy đến với thơ cũng là lẽ thường tình.
Đó là khi ông chọn một lối nhỏ bên Hồ Gươm, trong heo hắt của ngày chớm đông, ông bận một “cây” jeans bò đã bạc màu, lặng lẽ bước đi với đôi giày doctor khỏe khoắn, bỏ lại ồn ào ở bên kia đường để đắm chìm trong đám sương mù ký ức. Một tâm hồn lãng mạn, tài hoa, ông mãi trẻ khi thuộc về Hà Nội.
Và cứ thế, đôi mắt sáng, nụ cười đầy thiện cảm, cái chất Hà Nội ở ông cứ lan tỏa dịu dàng, trong công việc, trong đời thường, như khi ông đọc lại câu thơ “Những đứa trẻ đùa chơi trong mùa thu/ Đám mây nhỏ của tôi trên hè phố… ” trong tập thơ “Đám mây nhỏ của tôi” từng xuất bản ở cái thời “thanh niên sôi nổi”.
Nhưng thơ mãi là một chuyện tình dang dở khi ông quyết định chọn sang con đường làm thầy giáo, nghiên cứu khoa học để bây giờ, trong những năm tháng còn lại của cuộc đời được trở thành người Mặt trận, dốc sức cho việc của Mặt trận.
Cho đến lúc này, ông bảo, chưa bao giờ “phản bội” lại thơ vì tận sâu trong đáy lòng rất yêu văn học nghệ thuật, nhưng kể từ lúc quyết chọn cho mình một con đường cống hiến khác hay kể cả việc lập gia đình muộn thì đó là số phận. Ông hài lòng với số phận và luôn sẵn sàng “chiến đấu” với những thử thách của số phận.