Ai có lỗi?
Vài năm trở lại đây, những bài hát nhạc “chế”, nhạc “rác” xuất hiện tràn lan, không chỉ trên các trang web mà ngang nhiên “chiếm sóng” truyền hình.
Ca sĩ Sơn Tùng M-TP.
Viết dễ, hát dễ, nghe cũng dễ
“Này thần linh ơi, van xin người/ Give it to me/ Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu”. Đọc đoạn này có lẽ phần đa độc giả sẽ tưởng đó là lời nói nhảm của một kẻ say. Nhưng xin thưa, đó là lời của bài hát “Đẹp trai mới có nhiều đứa yêu”. Độ “hot” của bài này chắc chỉ kém “Không phải dạng vừa đâu” tí chút mà thôi. Tệ là, những bài hát dạng như thế này lại nhanh chóng được nhiều bạn trẻ… hưởng ứng.
Vì đâu mà những bài hát kiểu này “nổi tiếng” đến vậy? Một trong những nguyên nhân, có lẽ tại các bài hát ấy đều có những câu “đinh” theo kiểu “độc, đỉnh”, có một không hai, chối tai nghịch nhĩ đến mức “chọc vào lỗ nhĩ” khiến người ta phải ghi nhớ ngay trong đầu và phải nghe xem toàn bộ bài hát ấy nói gì.
Chắc chắn sự “tiếp tay” của khán giả bằng việc tò mò, nghe đi nghe lại, truyền tai nhau đã vô tình đẩy bài hát lên hàng “hot”. Chứ nếu để “đường đường chính chính” đi lên bằng sự hay ho, hấp dẫn bởi ngôn từ hay, giai điệu đẹp thì còn lâu bài các này mới có sức lan tỏa đến chóng mặt.
Trong thời đại kĩ thuật số như hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại không quá đắt tiền là người ta có thể nghe nhạc bất cứ đâu, bày tỏ cảm xúc hoặc gửi cho nhau cùng nghe trên mạng xã hội. Tâm lí tò mò, phương tiện sẵn sàng đã góp phần đẩy những thứ “rác văn hóa” ăn sâu rộng vào đời sống.
Bên cạnh trình độ thưởng thức âm nhạc không chọn lọc, nghe nhạc một cách không có văn hóa, người nghe cũng vô tình đẩy lên những bài hát hoặc những câu hát “chọc vào lỗ nhĩ” ấy bằng việc nghe đi nghe lại đã tạo nên một hiện tượng “hot”, càng khiến dư luận phải tò mò tại sao nó “hot” đến thế. Thái độ dễ dãi, hời hợt và cả gu thưởng thức âm nhạc kém chọn lọc của công chúng cũng là một “thủ phạm” lâu nay đã bị bỏ quên.
Đừng để hạt độc nảy mầm
Nếu sống gần giới trẻ, đi qua các kí túc xá, phòng trọ hay quán cà phê, bạn nếu không thích cũng sẽ phải thuộc những bài hát có ca từ quẩn quanh “Thà như thế, thà rằng như thế…”, “Đàn ông là thế, nay em tin đàn ông chỉ biết tham lam thôi. Và em sẽ không yêu ai một giờ em biết thế là đàn ông”…
Rồi cả những lời lẽ chối tai, ngô nghê đến bực cả mình như: “Trong tình yêu sao em có thể yêu thêm nhiều người. Có lẽ đánh mất đi anh thì em cũng sẽ không sao. Vẫn có nhiều người và em vẫn sẽ tươi cười”, “Qua bao ngày gian truân xưa kia, giờ đây mới được em yêu kề bên anh mà ngu sao làm chi để vụt bay mất tình sẽ đau”…
Tất nhiên, những thể loại nhạc này dù được dung dưỡng cũng sớm nở tối tàn. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha dự báo: Những ca khúc bình dân đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội nhưng không tồn tại được lâu. Tài năng của những người viết ra nó chỉ làm được những ca khúc như vậy thì phải chấp nhận, giới trẻ chấp nhận nghe những thứ không có tài. Những bài hát tương tự ra đời sẽ đẩy lùi nó vào dĩ vãng, mãi mãi sẽ chẳng có cơ hội sống dậy lần nữa.
Suốt thời gian qua, có bao nhiêu bài hát như vậy. Cái đáng ngại là, nó sẽ tạo ra một mặt nền vững chắc cho thể loại nhạc này phát triển. Một hạt mầm độc sẽ không có cơ hội nảy mầm, thành cây, lớn mạnh nếu như không có đất tốt. Điều này còn đáng ngại hơn vì theo như nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên phân tích, đa phần đều là nhạc nhái, bắt chước, thậm chí ăn cắp chứ không hề sáng tạo, không có bản thể.
Trong lúc “chờ” khán thính giả có đủ độ lớn và đủ sức đề kháng thì bản thân xã hội cũng phải có những động thái nhất định để đẩy lùi nhạc rác và giúp sức cho người nghe. Kiểm duyệt kĩ, xử phạt nặng cũng là một cách. Nâng cao kiến thức âm nhạc trong nhà trường, trong gia đình cũng là một cách.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN: “Chúng ta phải xây dựng được lực lượng công chúng biết thưởng thức âm nhạc, biết yêu âm nhạc và đánh giá các loại hình âm nhạc khác nhau. Đó mới là nền tảng cho một nền âm nhạc phát triển lâu bền có sự phát triển hưng thịnh...”
Tùng Dương nhắc nhở Sơn Tùng
Sau khi xem phần trình diễn của Sơn Tùng M-TP với những ca từ rất phản cảm: “Lãng tử hào hoa/ It’s me, Sơn Tùng/ Cái tên được săn lùng với phong cách điên khùng/ Lấy bút làm khẩu súng/ Nét mực và nòng súng khai hỏa cất cánh dứt bỏ mọi xiềng xích không nao núng/ Xoáy vào trong tâm anh tỏa sáng như sao trời/ Ở trên đây cười nhếch mép luôn rạng ngời/ Đừng bám đuôi không thôi sẽ bị đánh tơi bời”, ca sĩ Tùng Dương đã lên tiếng nhắc nhở Sơn Tùng M-TP.
“Với một ca sĩ trẻ cả về tuổi đời, tuổi nghề và trong tình huống một tiết mục trình diễn trên sóng truyền hình trực tiếp, tôi nghĩ rằng Tùng đã thể hiện một tính cách và thái độ tiêu cực. Việc tuyên ngôn của một cá nhân giữa đám đông là điều sẽ diễn ra hết sức bình thường nếu chúng ta biết thế hiện đúng mực cái tôi của mình. Điều đó rất quan trọng khi nó thể hiện nhân cách, phông văn hoá”, Tùng Dương chia sẻ.
Theo ca sĩ của “Chiếc khăn Piêu”, cách tuyên ngôn đặt mình cao hơn người khác là sự kiêu ngạo sai lầm. “Nhưng tôi sợ rằng tất cả những yếu tố đó lại là chiến lược của 1 êkíp để gây dư luận. Một thứ mốt cũng là một căn bệnh khó chữa của showbiz”.
Tùng Dương khẳng định: “Quan điểm của tôi là không được phép để cái tôi của mình đặt trên cái tôi của người khác một cách ngạo nghễ như thế. Bởi điều đó chứng tỏ người ca sĩ chưa gạn lọc được cho mình những cái hay, cái tinh của âm nhạc nước ngoài. Mà lại là một sự sao chép tinh thần tiêu cực”.