Sống chậm ở làng Cựu
Mặc cho sự ồn ào của nhiều ngôi làng cổ bị phá vỡ bởi giá đất leo thang khi nhập về Hà Nội, làng Cựu thuộc huyện Phú Xuyên, cách trung tâm Hà Nội chừng 40km vẫn giữ những nếp nhà ngói, những ngôi biệt thự phong cách Pháp cổ... và đặc biệt là nhịp sống chậm rãi như cách đây cả thế kỷ.
Đường làng Cựu.
Một ngày cuối tuần hanh hao nắng, về với làng Cựu, ngôi làng đã có tới 500 năm tuổi với dòng sông Nhuệ hiền hòa bao quanh. Khác với nhiều làng quê thuần Việt, điểm độc đáo của làng là những ngôi biệt thự cổ được xây dựng pha trộn theo lối kiến trúc Việt - Pháp từ đầu thế kỷ XX. Nếu như trước đây ngôi làng có hàng trăm ngôi biệt thự diễm lệ, thì nay còn khoảng 20 ngôi giữ được nguyên vẹn. Số còn lại phần bị đập bỏ để xây nhà hiện đại, phần bị bỏ hoang khiến ngôi làng khoác vẻ thâm u.
Nghe các cụ ở làng kể chuyện xưa, chừng hơn 100 năm trước trong một lần bị hỏa hoạn, nửa ngôi làng bị cháy thành tro. Dân làng bỏ xứ lên Hà Nội mưu sinh rồi thành đạt với nghề may cho Tây. Sau đó, nhiều người thợ giàu có đã trở về quê hương cùng nhau xây dựng lên một làng biệt thự mang tinh hoa của hai lối kiến trúc Pháp - Việt.
Quá trình xây dựng rầm rộ nhất diễn ra từ năm 1920-1945, do tiếp xúc nhiều với văn hóa Pháp, người dân ở đây đã lựa chọn kiến trúc vòm cuốn truyền thống của Pháp để thiết kế cho những ngôi biệt thự ở làng Cựu. Kiến trúc Pháp được góp nhặt kết hợp cùng mái chảy, gỗ lim, ngói mũi. Phụ gia xây dựng là mật ong trộn muối. Và người ta còn thấy, các chi tiết nhỏ trong mỗi biệt thự đều được chạm trổ cầu kỳ, hoa lá, hạc, phượng...
Không chỉ trang trí cầu kỳ bên trong mà các gia đình giàu có ngày ấy cũng để ý đến việc bài trí phía ngoài. Thềm nhà lát đá xanh, thậm chí từ các bể nước cũng được vẽ họa tiết. Trên cổng mỗi biệt thự đều trổ hình các con vật như tôm, dơi, nghê, hươu, nai... Có những ngôi biệt thự, riêng phần cửa, thợ giỏi phương xa đã phải thay nhau chạm trổ cả năm trời mới xong. Một chi tiết thú vị là làng Cựu được các cụ “quy hoạch” theo mạng hình con cua. Trong làng vẫn còn 2 ô vuông kích thước khoảng 20m2 được gọi là mắt cua.
Tới đây, du khách được tận hưởng sự thanh bình của làng quê Việt Nam. Nhưng không chỉ với những nét quen thuộc như: mái ngói với vườn cây trước sân nhà, giếng nước hay chiếc cổng làng cổ kính... Mà hòa trong không gian ấy là những mái vòm mềm mại, chiếc cầu nhỏ bắc qua hai ngôi nhà của cùng một chủ, hay những ban công hoa ti gôn nở hồng rực rỡ.
Và hẳn sẽ có ai đó bất ngờ khi phát hiện ra những chi tiết hoa sen được trang trí trên kiểu cổng châu Âu. Hay trong con ngõ sâu hun hút hàng chục nóc nhà lại có một ngôi biệt thự Pháp cổ với các thành viên đang quây quần bên mâm cơm chiều ấm áp.
Rồi những ngôi biệt thự hoang hoải, phía sau cánh cửa hoen gỉ là dáng vẻ vẻ trầm tư của ngôi nhà với tường, bậc thềm, sân vườn phủ một màu rêu xám, ... như tiếc nuối một thời vàng son. Hay đơn giản chỉ là những tia nắng quái chiều hôm xuyên qua một tán sấu cổ thụ cũng khiến người ta xao lòng.
Dịp này, mấy anh chàng sinh viên kiến trúc tới đây thực tập, nhìn những khuôn mặt trẻ lặng ngắm những chạm khắc đẹp và tinh xảo trên các khung cửa. Hay những mái vòm vòng cung bí ẩn, những lan can bằng sắt đúc, phù điêu phong châu Âu lại được hoà quện đôi nét phương Đông như dòng chữ Hán đắp nổi giống như bức hoành phi đặt trên mặt tiền cửa chính, những con đường lát đá xanh bóng màu thời gian... có lẽ mới tìm được câu trả lời vì sao ngôi làng này cho tới nay vẫn là điểm nhất định phải đến trong khóa thực tập của các sinh viên kiến trúc, mỹ thuật học tại Hà Nội.
Hiện, ở làng chỉ có hơn 130 hộ dân, với gần 700 nhân khẩu, sinh sống bằng nông nghiệp. Hàng trăm năm qua, có lẽ nhịp sống của làng vẫn vậy. Kinh tế phần lớn vẫn là tự cấp, cả làng chỉ có vài tiệm tạp hóa gọi là nơi giao lưu mua - bán, đi chợ vẫn theo phiên, phần lớn người ta đi lại bằng xe đạp,... đến tiếng xe máy đi trong làng cũng hiếm hoi.
Không ít người tới đây chép miệng giá mà những ngôi nhà kia được cả chủ nhân và chính quyền cùng chung tay trùng tu, tôn tạo thì tên tuổi ngôi làng với biệt hiệu làng biệt thự cổ sẽ trở thành một di sản hấp dẫn thu hút du khách. Nhưng dường như người dân làng Cựu chẳng mấy để ý tới điều này...
Đến nay, thi thoảng làng Cựu mới rộn lên bởi một vài nhóm người ưa hoài cổ, họ về đây áo dài, khăn đóng chọn những khuôn hình đẹp để chụp ảnh. Cũng có những đôi trẻ thích vẻ thâm trầm cất công về làng Cựu chụp ảnh cưới. Hay những sinh viên kiến trúc mỹ thuật về tìm cảm hứng sáng tác. Và khi họ rời đi thì ngôi làng lại trở về với vẻ trầm tư mặc tưởng như chẳng hề biết tới cuộc sống ngoài kia đang chộn rộn với những lo toan.