Những nẻo đường bia ngoại
Đánh giá cao thị trường tiêu thụ bia của Việt Nam nên doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt thâm nhập thị trường thông qua các kênh bán lẻ. Song song đó, thị trường cũng đang chứng kiến kế hoạch “đánh chiếm” ngoạn mục của các nhà đầu tư ngoại vào lĩnh vực này.
Bia ngoại tràn ngập hệ thống siêu thị.
Tính đến thời điểm hiện nay khi mà các hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng chưa có hiệu lực, song bia ngoại đã chủ động có mặt với mong muốn chiếm lĩnh thị trường bia Việt. Ghi nhận của phóng viên, tại các hệ thống siêu thị như: Lotte Mart, Big C, Giant, Citimart… mặt hàng bia ngoại đã chiếm thế đứng khá vững.
Đơn cử, tại siêu thị Lotte Mart, bia ngoại lấn át hẳn về số lượng, nổi trội về mẫu mã. Sản phẩm bia từ các nước châu Á đến châu Âu đều thi nhau hội tụ. Trong đó, có nước chỉ vào thị trường bia Việt Nam với một sản phẩm, nhưng một số nước ghi dấu sự có mặt của mình cùng 2 đến 3 loại bia khác nhau.
Tương tự hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích các đại lý, cửa hàng bia cũng rục rịch lên kế hoạch tung bia ngoại ra thị trường nhiều hơn. Theo đó, mặt hàng bia ngoại đang được các cửa hàng bán lẻ hướng đến chính là bia Tiệp, Đức, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc…
Ông Phạm Văn Chinh (ngụ quận 11) chia sẻ: “Từ trước đến giờ nếu dùng bia tôi vẫn lựa chọn bia Việt. Tuy nhiên, thời gian gần đây bia ngoại vào nhiều góp phần tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tôi cũng muốn biết chất lượng bia của nước nào là ngon nhất”.
Trước sự ồ ạt chiếm lĩnh thị trường của bia ngoại nhập, bà Nguyễn Ân Tư, chủ cửa hàng bia, nước giải khát (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, 50% sức mua trên thị trường bia hiện nay thuộc về bia nội.
“Khách hàng đang ủng hộ bia nội nhưng tôi vẫn phải đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng. Vì thế cửa hàng sẽ xem xét xu hướng tiêu dùng của mặt hàng này”, bà Tư cho biết.
Về việc này, đại diện một số siêu thị cho hay, lượng tiêu thụ bia ngoại chưa thật sự lấn át bia nội vì bia ngoại mới “chân ướt, chân ráo” vào thị trường Việt Nam và đang có mặt với mục đích “trình làng”. Hơn nữa, giá cả khá cao so với bia nội, vì vậy mà người tiêu dùng chưa hướng đến nhiều.
Nhìn vào thực tế của thị trường bia trong nước, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho rằng, trước đây bia Việt Nam gần như độc chiếm thị trường. Song thời gian gần đây thị phần của các DN bia nội có xu hướng giảm. Thị trường bia Việt đã nhường 40 – 45% thị phần cho bia ngoại.
Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát, nguyên nhân chủ yếu là do mở cửa hội nhập. Ngoài ra, bia ngoại phát triển mạnh vì là những thương hiệu mạnh, tài chính tốt, kinh nghiệm quảng cáo và tiếp thị giỏi…
Thị trường bia Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng khi tăng trưởng ổn định ở mức 7,4%. Mới đây một báo cáo cho rằng, một năm Việt Nam có thể chi cho bia rượu với mức 3 tỷ USD. Đây chính là miếng bánh béo bở để bia ngoại “xí phần”.
Đánh dấu quyết tâm thâm nhập thị trường bia Việt Nam của các DN ngoại chính là sự kiện doanh nghiệp Nhật trong liên doanh công ty TNHH Sapporo Việt Nam mới đây mua hết 29% vốn góp của phía đối tác Việt Nam với trị giá 8,28 triệu USD. Điều này cho thấy, thị trường bia trong nước đang dần dần thay đổi trước sự tấn công quyết liệt của các đại gia ngoại.
Sau khi nắm 100% cổ phần phía Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng sản lượng ra thị trường với con số gấp đôi chứ không dừng lại ở mức 20 triệu lít/năm như thời gian qua. Bên cạnh đó, trước thông tin lên tiếng cổ phần hóa bia Sài Gòn (Sabeco), ngay lập tức các hãng bia như: Thai Beverage, Kirin Brewery, Asiha Breweries, Sab Miller, Asia Pacific Breweries… đã lập tức săn tìm cổ phần.
Trước tình trạng đổ bộ vào thị trường Việt Nam của bia ngoại, theo Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, mặc dù có lợi thế truyền thống sử dụng bia “made in Vietnam” của người tiêu dùng nhưng bia Việt cần nỗ lực nhiều hơn để nâng cao chất lượng, giá cả cạnh tranh nhằm giữ vững thị trường.
Thời gian tới thị trường bia Việt thay đổi theo chiều hướng giảm vì cạnh tranh lớn, cổ phần hóa nhiều, cho nên cơ quan chức năng cần siết chặt hoạt động nhập khẩu tránh cạnh tranh không công bằng.