Cuộc chiến chống tái nghèo
Thời gian qua, tại một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả góp phần giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và giảm nghèo bền vững.
Nuôi gà thoát nghèo đang là mô hình được nhân rộng
ở nhiều địa phương. Ảnh: Mạnh Dũng.
Cùng với đó là Chính phủ đã có những tiêu chí mới về xác định thôn bản bản đặc biệt khó khăn nhằm có kế hoạch hỗ trợ người nghèo cũng như từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa đồng bằng và miền núi. Điều đó thể hiện quyết tâm chống đói nghèo và tái nghèo vùng DTTS.
Hiệu quả ở những mô hình nhỏ
Sau khi thăm quan học hỏi một số mô hình giảm nghèo hiệu quả ở nhiều tỉnh, đến năm 2015, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà mía thả vườn tại xã miền núi Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. Có 50 hộ gia đình nghèo và cận nghèo được dự án hỗ trợ xây dựng mô hình với 3.500 con gà, bình quân mỗi hộ nuôi 70 con gà giống. Các hộ được hỗ trợ con giống, 50% khẩu phần thức ăn, thuốc thú y phòng bệnh và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ gà sống đạt trên 96% và xuất bán gà thương phẩm ra thị trường, cho lãi khoảng 2 triệu đồng/hộ.
Điển hình là mô hình của chị Nguyễn Thị Liên, thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, từ khi tham gia dự án nuôi gà thả đồi, gia đình đã tận dụng tối đa diện tích đất đồi quanh nhà để thả nuôi và cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Lý giải về hiệu quả của công việc này chị cho hay: “Nuôi gà thả đồi có nhiều cái thuận lợi, thứ nhất công chăm sóc không nhiều, gà do vận động nhiều nên chất lượng thịt rắn chắc và tỷ lệ nạc cao. Hàng ngày các tiểu thương đều đến hỏi thăm, thậm chí đặt tiền trước để thu mua gà nhà mình.
Trong thời gian tới, mình sẽ tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình này với mong muốn phát triển theo mô hình trang trại và các lứa gà sẽ gối đầu nhau để tạo sự ổn định và chủ động trong sản xuất...”
Tiếp đó là gia đình anh Trần Văn Minh ở thôn Kim Sen. Trước đây gia đình khó khăn, hai vợ chồng anh vất vả cả ngày mà vẫn không đủ cho các con ăn học. Rồi anh chị quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Sau lứa đầu tiên gia đình anh đã có thu nhập trên 5 triệu đồng. Anh tâm sự: “Từ khi xây dựng mô hình chăn nuôi gà, gia đình tôi có đồng ra, đồng vào nên cuộc sống cũng khấm khá hẳn lên. Hiện nay, vợ chồng tôi đang tập trung đầu tư chăm sóc 200 con gà chuẩn bị xuất bán để trang trải cuộc sống gia đình trong dịp Tết Nguyên đán”.
Cũng từ nhiều năm nay, đồng bào các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã quá quen thuộc với hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 327. Các anh không chỉ là những thầy giáo ở các lớp học xoá mù chữ mà còn là cán bộ hướng dẫn bà con dân bản vùng sâu, vùng xa tiếp cận với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao.
Được biết, ngay từ năm 2011, khi Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng chính thức khởi động thì nhiều mô hình đã được đơn vị triển khai rộng khắp, như: trồng khoai tây, mía đường; chăn nuôi lợn rừng, dê, lợn nái sinh sản, gà sao, chim cút đẻ trứng, cá song...
Nhìn chung, các mô hình này phát huy thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ và khả năng nhân rộng trên địa bàn. Với phương thức đơn vị hỗ trợ kinh phí đầu tư, người dân đóng góp nhân công, vật liệu tự tạo... các mô hình đã thu hút 430 hộ dân tham gia, trong đó 98% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng các mô hình có hiệu quả. Ngay sau khi cấp cây và con giống cho các hộ nghèo, đơn vị giao nhiệm vụ cho các đội sản xuất trên địa bàn trực tiếp theo dõi, quản lý và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con dân bản.
Nhờ những mô hình giảm nghèo phối kết hợp này, đến nay không ít hộ gia đình đồng bào DTTS ở Quảng Ninh đã thoát nghèo, từng bước tạo lập kinh tế hộ gia đình vững chắc.
Chú trọng vùng đồng bào nghèo
Đánh giá kết quả giảm nghèo hàng năm, Bộ LĐTB&XH cho hay, mặc dù đã được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ nhưng công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững. So với cả nước, tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái nghèo.
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống trên địa bàn có điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến những nỗ lực thoát nghèo bền vững rất khó để thực hiện.
Bên cạnh đó, khi thoát khỏi diện hộ nghèo, các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo chưa định hướng được phương án sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định sinh kế thoát nghèo bền vững; năng lực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nhiều nơi vẫn theo tập quán sống không tập trung, xa chợ, xa trung tâm, gây khó khăn trong việc trao đổi và tiêu thụ sản phẩm làm ra
. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả hơn nữa những chính sách, chương trình dự án của Nhà nước và thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên thực hiện phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, giáo dục.
Tính đến nay đã gần 3 năm triển khai Quyết định về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2012), nhiều địa phương vùng núi phía Bắc đã ráo riết thực hiện.
Đánh giá về chủ trương này, theo ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo: “Việc xác định thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở để các cơ quan chức năng áp dụng các chính sách. Đây cũng là cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách, lập kế hoạch phát triển phù hợp với đặc trưng của từng thời kỳ...
Bộ tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 có ưu điểm đặc biệt là đã lược bớt được những chỉ tiêu định tính, lượng hóa cụ thể nhiều tiêu chí quan trọng, cũng như đã bám sát chỉ tiêu nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, bình xét và xây dựng, triển khai chính sách…”
Có thể đơn cử như tiêu chí sản xuất tự cấp tự túc trong quy định trước đây rất khó hình dung, thì nay đã được lượng hóa bằng tỷ lệ trên 20% hộ thiếu đất sản xuất, trên 80% lao động chưa qua đào tạo nghề, chưa có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư thôn, bản; chưa có đường giao thông được cứng hóa từ trung tâm xã đến thôn theo tiêu chí nông thôn mới...
Trên cơ sở lượng hóa số thôn đặc biệt khó khăn, Quyết định đã có tiêu chí cụ thể để xác định xã thuộc vùng dân tộc miền núi theo các khu vực. Ví dụ, xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực 3 phải có số thôn đặc biệt khó khăn từ 35% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 35% trở lên, trong đó hơn 20% hộ nghèo...