Hàng nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi lại trả về nhiều
Số lô hàng thủy sản xuất khẩu bị phát hiện có dư lượng kháng sinh bị trả về trong 9 tháng đầu năm gần bằng cả năm 2014. Bên cạnh nỗi lo này là giá của hàng nông thủy sản Việt Nam luôn thấp hơn một số nước.
Ảnh minh họa.
Một số liệu đáng quan ngại được Bộ NN&PTNT đưa ra, trong năm 2015, các lô hàng vi phạm bị phát hiện qua kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản XK tăng cao. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, con số các lô hàng vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm và vi phạm quy định hóa chất kháng sinh lần lượt là 165 và 78 lô.
Trong khi đó cả năm 2014, số lô hàng bị vi phạm là 159 và 68 lô. Không chỉ đối với mặt hàng thủy sản, thời gian qua một số mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam như chè, hồ tiêu cũng bị nhiều thị trường cảnh báo, trả về do không đảm bảo chất lượng.
Cũng nằm trong những lo lắng về hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn có mặt hàng gạo xuất khẩu, rồi cà phê xuất khẩu cũng nằm ở thế tương tự, với cà phê các thị trường Mỹ, Đức, Nhật nhập với giá từ trên 2.000 USD đến 3.000 USD/tấn thì Việt Nam chỉ xuất được với giá 1.521 USD/tấn…
Là quốc gia xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới, nhưng nghịch lý thị trường vẫn luôn tồn tại, thậm chí càng ngày càng gia tăng theo thời gian. Sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu khi phần lớn sản phẩm xuất khẩu có giá trị thấp, được bán trên phân khúc thị trường rẻ, đầu tư nông nghiệp còn hạn chế, vệ sinh an toàn thực phẩm còn đáng lo…
Nhưng tại sao hàng nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi lại trả về nhiều và giá thấp. Nhiều lý do đã được đưa ra, trong đó có nguyên nhân đến từ việc kiểm soát lưu thông thuốc thú y; chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng chưa được thực hiện liên tục, chặt chẽ nên dẫn đến xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm.
Ngoài ra do một số doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận cũng đã sử dụng thủ thuật riêng. Trong khi đó, quá trình hội nhập sâu, các quốc gia muốn bảo vệ ngành hàng của mình đã dựng lên những hàng rào kỹ thuật rất cao liên quan đến chất lượng.
Cơ hội cho ngành nông nghiệp của Việt Nam đang mở ra rất lớn. Nhưng từ đây yêu cầu cũng đặt ra các doanh nghiệp muốn bán được hàng nhiều, muốn xuất khẩu được sản phẩm thủy sản, nông sản hiệu quả buộc phải giữ chữ tín. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tự hại mình nếu còn những doanh nghiệp làm ăn không tử tế, hàng kém chất lượng.
Với điểm mạnh, yếu của hàng nông thủy sản như hiện tại, người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam phải cấp bách đổi mới để nắm cơ hội vàng. Chỉ có cách duy nhất, nâng cao chất lượng hàng nông sản, thủy sản thì mới thay đổi được bức tranh nông nghiệp Việt Nam.