Nước Anh lại cân nhắc rút khỏi EU
Truyền thông Anh hôm 8/11 cho hay, Thủ tướng David Cameron sẽ đưa ra một cảnh báo chưa từng có cho giới lãnh đạo EU rằng có thể cân nhắc về khả năng Anh ra khỏi Liên minh châu Âu nếu như họ tiếp tục bác bỏ các đề xuất cải cách khối này của ông.
Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến sẽ tổ chức trưng cầu dân ý
về việc rút khỏi EU vào đầu năm sau. (Nguồn: Reuters).
Tiếp tục gây sức ép đối với 27 nhà lãnh đạo của EU, Thủ tướng Cameron tiếp tục đề cập đến các đề xuất cải cách của mình - trong đó gồm cả đề xuất yêu cầu người di cư cống hiến 4 năm trước khi được đòi hỏi quyền lợi - đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk hôm 3/11 vừa qua.
Sự việc sẽ đánh dấu sự bắt đầu của các vòng đàm phán mới kéo dài trong nhiều tháng giữa các đại diện đến từ chính phủ các nước thành viên EU về vấn đề Anh có thể rút khỏi khối này trước cuối năm 2017.
Trong một bài phát biểu ngày 10/11 tới đây, ông Cameron dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ chưa từng có về việc Anh rút khỏi EU nếu như khối này không nhượng bộ trước những đề xuất cải tổ của London.
“Nếu chúng ta không thể đạt được một thỏa thuận như vậy, và mối quan ngại của Anh lại vẫn bị phớt lờ, chúng tôi sẽ buộc phải suy nghĩ lại về việc liệu EU có phù hợp với chúng tôi nữa không. Như đã từng nói, tôi không hề loại bỏ khả năng nào”- Văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron thông báo trước về tuyên bố của ông.
Tuy tuyên bố này nhận được sự ủng hộ từ những người có tư tưởng ly khai EU ở Anh, nhưng nó vẫn thúc đẩy cử tri rằng nước Anh nên là một phần của EU. Bản thân ông Cameron cũng khẳng định rằng Anh sẽ đạt được một thỏa thuận làm vừa lòng họ và cả các đối tác EU. Và trong trường hợp đạt được thỏa thuận, nước Anh sẽ vẫn là một phần của một EU đã được cải cách.
Các cố vấn của ông Cameron trước đó đã quyết định rằng, để thúc đẩy các lãnh đạo EU đưa ra các thay đổi mới mẻ, nước Anh cần phải để ngỏ khả năng ủng hộ cử tri trong nước bỏ phiếu “có” đối với việc nước này từ bỏ tư cách thành viên EU.
Hiện nay, một trong số các đề xuất của Anh bị cộng đồng EU chỉ trích nhiều nhất chính là việc cấm người di cư đòi hỏi lợi ích làm việc nếu như chưa cống hiến trong vòng 4 năm. Đề xuất này bị nhiều quốc gia thành viên EU, dẫn đầu bởi Ba Lan, cho là đi ngược lại với cam kết di chuyển lao động tự do giữa các nước trong khối.
Trong bức thư đề xuất gửi đến Chủ tịch EC Donald Tusk, ông Cameron dự kiến sẽ đưa ra các điều kiện trong 4 lĩnh vực khác nhau mà ông muốn EU cần phải cải tổ.
Các điều kiện này gồm: Yêu cầu người di cư phải cống hiến trong vòng 4 năm mới được đòi hỏi các quyền lợi công việc; trao cho Anh quyền không tham gia bản tuyên bố thắt chặt quan hệ trong khối; đảm bảo rằng các quốc gia thành viên EU không nằm trong khối đồng tiền chung euro (Eurozone) như Anh không cần phải thay đổi những quy tắc áp dụng với một thị trường đơn lẻ mà các nước Eurozone đánh thuế; và cho phép Quốc hội các nước quyền cùng họp bàn để phản đối những đề xuất luật pháp mới.
Trước đó, để thể hiện quyết tâm của mình, Thủ tướng Cameron đã thực hiện hàng loạt các chuyến thăm tới Hà Lan, Pháp, Ba Lan và Đức hồi tháng 5 vừa qua. Trong cuộc gặp với lãnh đạo các nước, ông Cameron sẽ trình bày rõ quan điểm rằng cử tri Anh sẽ quyết định rời khỏi EU nếu như những yêu cầu mà Thủ tướng nước này đưa ra không được đáp ứng.
Hiện ông Cameron đang bắt đầu đếm ngược đồng hồ đến cuộc trưng cầu dân ý có thể được tổ chức vào đầu năm tới về việc rời khỏi EU. Những yêu cầu từ phía Anh sẽ được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk xem xét trong một tuần. Sau đó các quan chức cấp cao của Anh sẽ đến Brussels để bắt đầu cuộc thảo luận nghiêm túc.