Hút vốn FDI nhưng phải gạt bỏ công nghệ lạc hậu
Một số DN FDI vào Việt Nam đầu tư đã kéo theo cả những tác động xấu đến nền kinh tế. Giới chuyên gia khuyến cáo, nhà quản lý cần mạnh dạn loại bỏ những dự án kém và lựa chọn những dự án FDI chất lượng cao để tác động tích cực tới nền kinh tế.
Thu hút FDI cần có chọn lọc.
Ấn tượng 26 năm
Diễn biến của nền kinh tế trong nước tính từ thời điểm Việt Nam mở rộng cửa thu hút nguồn vốn FDI, 26 năm về trước, cho thấy, dòng vốn FDI đã có những đóng góp quan trọng đối với việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ngoài việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, hoạt động FDI đã góp phần hình thành một số ngành sản xuất mới, thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết công ăn, việc làm cũng như đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Riêng đối với lĩnh vực xuất khẩu, khu vực kinh tế này đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước hàng năm.
Đơn cử như, chỉ riêng dự án FDI của SamSung tại Việt Nam, trong năm 2014, đã xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD, chiếm 20% tổng xuất khẩu của Việt Nam và tạo hàng chục ngàn công ăn việc làm cho người lao động tại Thái Nguyên, Bắc Ninh và một số tỉnh thành khác. Nhiều địa phương nhờ sự có mặt của các dự án FDI đã có sự “thay da đổi thịt” một cách ấn tượng.
Với những thành quả có được, Việt Nam càng ngày càng mở rộng cửa để đón dòng vốn FDI, và lượng vốn từ khu vực này đã tăng đều hằng năm.
Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã mở cửa cấp phép thêm 1.657 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 12,42 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2014 về số dự án và 24,8% về số vốn đăng ký. Ngoài ra, Việt Nam thu hút được thêm 667 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm, đạt 6,866 tỷ USD. Tính chung cả vốn FDI cấp mới và tăng thêm, 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 19,3 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Cùng với vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm, vốn FDI thực hiện trong 10 tháng đầu năm đạt 11,8 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2014, trung bình mỗi tháng nhà đầu tư nước ngoài giải ngân hơn 1,1 tỷ USD tại Việt Nam.
Theo nhận định của GS. TSKH Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, với mức giải ngân khá ấn tượng này của dòng vốn FDI, môi trường đầu tư ở Việt Nam tiếp tục khẳng định là nơi đáng tin cậy, hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo GS Mại, không phải ngẫu nhiên mà thời gian vừa qua, các DN của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam tiến hành ký những thỏa thuận đầu tư lớn. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã khẳng định, Hoa Kỳ sẽ là nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Trung tuần tháng 9 vừa qua, trong dịp thăm và làm việc tại Việt Nam, đặc phái viên về thương mại và văn hóa của Thủ tướng Anh cũng đã tuyên bố, trong hai năm tới, Vương quốc Anh sẽ vươn lên đứng thứ 10, thay vì vị trí 15 trong số hơn 100 quốc gia vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam.
Công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động. (Ảnh: Trần Việt).
“Tốt chọn, xấu bỏ”
Việc theo thời gian, có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đặt niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành, đây vừa là cơ hội để tăng thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời với việc các DN FDI đưa đến những công nghệ mới, phương thức quản lý mới… sẽ tạo đà để các DN Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương tiếp tục được đàm phán và ký kết.
Tuy vậy, vẫn cần phải thừa nhận một thực tế, ngoài những thành quả đạt được, trong 26 năm qua, sự thâm nhập của các DN FDI cũng đã để lại những hệ quả đối với Việt Nam. Nhiều chuyên gia đánh giá, đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia vào lĩnh vực công nghệ cao còn hãn hữu. Thậm chí, một số dự án sử dụng công nghệ lạc hậu đã gây những hệ lụy lớn cho môi trường.
Không ít dự án của các DN FDI được ưu ái dành những vị trí thuận lợi, song không hoặc chậm triển khai đã gây lãng phí lớn. Đó còn chưa kể hàng loạt các phi vụ “chuyển giá, trốn thuế” của các tập đoàn, DN tiếng tăm, gây ra thất thu thuế cho nguồn ngân sách, để lại những hệ quả đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, vẫn cần phải thừa nhận, DN DFI vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam. Theo GS Nguyễn Mại, ngành dầu khí của Việt Nam có được như ngày hôm nay, chính là bởi có tham gia của lĩnh vực FDI vào lĩnh vực này. Tương tự các ngành khác như điện tử, viễn thông… cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận có vai trò không nhỏ của khu vực DN FDI.
Bởi vậy, ở mọi thời điểm, FDI vẫn luôn giữ vị trí quan trọng đối với nền kinh tế nước nhà. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để thu hút được nguồn vốn FDI thực sự chất lượng, có tác động tích cực đối với nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu quan điểm, chất lượng của dòng vốn FDI được thể hiện qua hiệu quả hoạt động của dự án FDI, công nghệ được sử dụng; nguồn lực và tính lan tỏa của khu vực FDI đối với khu vực DN trong nước.
“Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta phải sáng suốt trong lựa chọn các dự án, chỉ đón nhận những dự án FDI lớn, có “chất”, sử dụng công nghệ cao và mạnh dạn gạt bỏ những dự án nhỏ, công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là những dự án vào Việt Nam chỉ với mục tiêu tận dụng nguồn nhân công rẻ” – ông Toàn nhận định.
Cùng với đó, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà quản lý cần phải có những chính sách để thúc đẩy mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, khi có sự liên kết này, tất yếu sẽ có sự dịch chuyển, lan tỏa thế mạnh của khu vực DN FDI sang khu vực DN trong nước. Hiện nay, mối liên kết này còn rất yếu, đó là sự thiệt thòi cho các DN Việt Nam.