Bao giờ mới chịu sửa sai?
Từ năm 2013 đến nay, báo ĐĐK đã nhiều lần phản ánh sai phạm của chính quyền hai cấp ở huyện Nam Trực (Nam Định) liên quan đến việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Bình Minh vào thời điểm năm 2005, gây nhiều hệ lụy cho người dân. Đáng nói là đến nay, sau hơn 10 năm, chính quyền địa phương vẫn chưa khắc phục hậu quả, tiếp tục đẩy người dân vào hành trình mệt mỏi chờ đợi…
Ông Nguyễn Văn Tuyên (đã mất) -
một trong mười hộ dân trong một lần phản ánh sự việc với PV.
Dân khốn khổ vì lãnh đạo chính quyền cẩu thả, sai phạm
Vụ việc được tóm tắt như sau: Giải quyết nhu cầu đất giãn cư cho một số hộ dân ở thôn Đông Hành Quần, trên cơ sở tham mưu của chính quyền xã Bình Minh, các phòng ban chuyên môn liên quan, năm 2005 UBND huyện Nam Trực đã thành lập Hội đồng đấu giá, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở tại diện tích 1.000m2 đất nông nghiệp (NN) nằm ven trục đường liên xã của huyện, đoạn chạy qua thôn Đông Hành Quần. Bỏ giá cao nhất, 10 hộ dân trong thôn đã trúng thầu, 9/10 hộ đã nộp đủ tiền, từ 15,5 đến 16 triệu đồng/suất cho chính quyền ngay sau đó, chỉ chờ được giao đất.
Tuy nhiên, sau đó “cả làng mới ngã ngửa người” khi biết: Trước khi được đưa ra tổ chức đấu giá, cấp đất giãn cư, chính quyền địa phương chưa hề thực hiện các thủ tục thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trên thực tế 1.000m2 đất trên vẫn là đất NN, đang thuộc quyền canh tác của 34 hộ dân trong thôn. Lấy lý do đất vẫn đang được giao quyền canh tác, 34 hộ dân trên không đồng ý trả ruộng; chính quyền do vậy không có đất ở để giao cho 10 hộ đã trúng thầu…
Theo tìm hiểu của PV, sự cẩu thả, bất tuân quy định trên của hai cấp chính quyền huyện Nam Trực đã gây ra rất nhiều hệ lụy, nhất là đối với 10 hộ dân đã trúng thầu. Được biết, họ đều là những hộ nông dân nghèo, 15-16 triệu đồng là số tiền rất lớn đối với họ, nhất là vào thời điểm 10 năm trước. Để có đủ số tiền trên nộp cho nhà nước, khi đó hầu hết các hộ phải vay mượn.
Chị Dung, một trong 10 hộ dân trúng thầu, đã nộp tiền đất, cho biết: “Hết lần này đến lần khác, hết năm này sang năm khác, chúng tôi ra xã, lên huyện kêu cầu chính quyền giải quyết, nhưng tất cả những gì các hộ dân được nhận chỉ là sự thờ ơ, né tránh của những cán bộ có trách nhiệm. Có những cán bộ chúng tôi gặp, kiến nghị giải quyết từ lúc họ nhậm chức đến khi họ chuyển công tác hoặc về hưu, nhưng lần nào cũng chỉ được họ trả lời phải tiếp tục chờ!”.
Có trường hợp như vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng, do sức ép từ việc vay nợ nộp tiền đất đã phải để 2 con nhỏ ở quê, nhờ ông bà trông coi, rồi cả hai vợ chồng dắt díu, phiêu bạt vào tận Đồng Nai làm thuê, làm mướn kiếm tiền trả nợ. Còn trường hợp ông Nguyễn Văn Tuyên, chờ đợi mỏi mòn, trước khi chết (năm 2014) vẫn không biết đến bao giờ mình nhận được đất?
Người dân còn phải đợi đến bao giờ?
Cách nay 10 tháng, vào ngày 6/1/2015, làm việc với PV, ông Lưu Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực; ông Nguyễn Văn Chung-Chủ tịch UBND xã Bình Minh (hiện là Bí thư Đảng ủy xã) cùng cho biết: để giải quyết vụ việc, vào năm 2013, khi triển khai dồn điền đổi thửa, chính quyền xã có ý định chuyển đổi, đưa diện tích 1.000 m2 đất NN đang giao quyền canh tác cho 34 hộ dân trên thành đất công, sau đó sẽ chuyển đổi thành đất giãn cư và giao đất cho 10 hộ dân đã trúng thầu trước đó. Tuy nhiên, kế hoạch này đã “thất bại” vì khi thực hiện, Ban dồn điền đổi thửa thôn Đông Hành Quần không đồng ý, vẫn đưa diện tích này vào dồn đổi. Trên thực tế, diện tích đất 1.000 m2 trên hiện thuộc quyền canh tác của 13 hộ dân khác…
Theo ông Dũng, ông Chung, do ý định trên “bất thành”, sau đó huyện, xã tiếp tục đề ra 3 phương án: một là hủy bỏ kết quả đấu giá quyền sử dụng đất năm 2005, trả lại tiền 9/10 hộ dân trên cơ sở có tính lãi suất, hai là thực hiện các thủ tục thu hồi, đền bù 1000m2 đất nông nghiệp trên để giao cho 10 hộ dân làm đất giãn cư, ba là sẽ điều chỉnh quy hoạch đất, chuyển vị trí đất nông ngiệp đã quy hoạch xây dựng trường mầm non xã tới vị trí trụ sở HTX NN xã hiện nay, sau đó sẽ quy hoạch vị trí này thành đất giãn cư, từ đó sẽ giao đất cho 10 hộ dân tại vị trí này.
Lãnh đạo huyện, xã nói vậy nhưng gần một năm sau, mới đây, khi “gõ cửa” phòng làm việc của ông Lưu Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực để cập nhật sự việc, PV được ông Dũng cáo bận, không tiếp. Chiều cùng ngày, làm việc với đại diện Đảng ủy, UBND xã Bình Minh, chúng tôi vô cùng sửng sốt khi biết suốt một năm qua đã chẳng có phương án nào được triển khai để khắc phục hậu quả sai phạm của chính quyền, dẫu 12 năm đã trôi qua.
Cụ thể, theo ông Liêm, tân Chủ tịch UBND xã Bình Minh, trong ba phương án trên, phương án giao đất cho các hộ vào vị trí quy hoạch xây dựng trường mầm non được cho là khả thi nhất, được 10 hộ dân đồng tình vì vị trí này cùng ở mặt đường và gần với vị trí đất trước đó họ đã trúng thầu. Tuy nhiên, theo ông Liêm, ý tưởng là như vậy nhưng quá trình thực hiện rất vướng. Địa phương đã thực hiện xong dồn điền, đổi thửa từ năm 2013 nhưng đến nay tỉnh, huyện vẫn chưa thực hiện cấp đổi lại sổ đỏ sau dồn điền đổi thửa.Trên thực tế diện tích đất này, theo sổ đỏ, vẫn đang thuộc quyền canh tác của nhiều hộ nông dân.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là: Đã qua 4 đời Chủ tịch UBND huyện, nhiều đời Chủ tịch UBND xã, sự việc vẫn không được giải quyết, khắc phục?