Giữ thị trường
Nhãn mác gắn tên “made in Vietnam” ngày càng phổ biến ở các trung tâm mua sắm trên toàn cầu. Thế nhưng, coi nhẹ nhu cầu người tiêu dùng các nước bằng những sản phẩm không chất lượng hay vi phạm quy định chất lượng hàng hóa thì nguy cơ thu hẹp thị trường không tránh khỏi.
Nông sản Việt đang giảm lượng xuất khẩu tại các thị trường ngoại. Ảnh: S.Xanh.
Mỗi khi nghe tin doanh nghiệp Việt vừa mới chen chân vào thị trường này, thâm nhập thị trường kia, được thị trường nọ lựa chọn và tin dùng sản phẩm Việt… mọi người Việt Nam đều phấn khởi. Thời buổi kinh tế khó khăn, cạnh tranh gay gắt, thì việc “lấy lòng” một thị trường nào đó không phải việc dễ làm. Càng khó khăn hơn khi nhiều loại hàng hóa Việt Nam không được thị trường các nước khó tính đánh giá cao. Trong cuộc cạnh tranh thương trường toàn cầu, việc giành được thị trường mới đã rất khó nhưng giữ cho được thị trường còn khó khăn hơn nhiều.
Tuy nhiên, thời gian gần đây DN xuất khẩu hàng hóa có phần lạc quan hơn vì “chân trời” mới đang mở ra. Theo đó, năm 2015 được xem là năm “vàng son” của hoạt động giao thương giữa Việt Nam với các nước. Bằng chứng thể hiện rõ, hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương đã và đang hình thành như: Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Nhật Bản (giai đoạn 2015 - 2019), Liên minh Hải quan Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Nhìn thẳng vào điều kiện thuận lợi của Việt Nam trước hội nhập thấy rõ, sắp tới hàng hóa Việt Nam sẽ rộng đường vào sân chơi chung của các nước nhiều hơn thông qua hình thức mở cửa kinh tế.
Không cần cộng gộp tất cả các hiệp định tự do thương mại, xét một mình TPP thôi cũng thấy nhiều thuận lợi cho hàng xuất khẩu. Lý do, nội khối TPP đã chiếm 40% GDP toàn thế giới. Dự kiến, nếu TPP suôn sẻ đến năm 2025 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng hai con số, đồng thời kéo tăng trưởng kinh tế phát triển song song.Và, nếu làm tốt hoạt động sản xuất và thương mại thì nhiều loại hàng hóa “made in VietNam” sẽ có chỗ đứng tốt trên thị trường như: nông sản, hàng tiêu dùng…
Đặc biệt đến thời điểm hiện nay, nông sản vẫn là “hạt giống số 1” góp phần tăng trưởng cho mặt hàng xuất khẩu trong hội nhập khi nguồn cung khá phong phú và đa dạng. Chính vì lẽ đó mà nông sản xuất khẩu được dự báo có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Riêng dệt may - mặt hàng được đánh giá khá thuận lợi, song chủ yếu là gia công nên giá trị gia tăng dành cho Việt Nam không đáng kể.
Dựa vào điều kiện khách quan các chuyên gia nhận định, sắp tới đây hàng hóa Việt Nam sẽ chen chân vào các nước nhiều hơn. Tuy nhiên, muốn “đem chuông đi đánh xứ người” hoàn toàn không đơn giản. DN Việt Nam phải có một cuộc cách mạng toàn diện trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt phải nâng cao chất lượng sản phẩm Việt một cách tối ưu, nếu không sản phẩm Việt sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường ngoại.
Bằng chứng rõ nhất cho thấy, Việt Nam vẫn tự hào là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Song gạo Việt chỉ tập trung cho các thị trường truyền thống, thay vì phải chạy đua vào những thị trường khó tính. Giờ đến thời điểm sát nút với hội nhập sâu rộng, gạo Việt lại bị giảm sút về sản lượng xuất khẩu. Tại thị trường xuất khẩu truyền thống gạo Việt dần dần mất đi thế thượng phong do chất lượng gạo Việt không được người tiêu dùng đánh giá cao.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này nằm ở chỗ, thay vì xuất khẩu gạo chất lượng thì thương lái và DN Việt lại trộn 3 – 4 thứ gạo lại thành một mớ bòng bong rồi đem đi xuất khẩu. Trong khi đó, phát triển sau Việt Nam về nông nghiệp nhưng gạo “made in Campuchia” đang có dấu hiệu “làm mưa, làm gió” khi mở rộng thị trường xuất khẩu sang 53 quốc gia. Gạo Campuchia còn mạnh mẽ thâm nhập có hiệu quả thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.
Có phần mạnh dạn thâm nhập thị trường các nước hơn ngành lúa gạo, cá tra Việt Nam sớm có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt sản lượng cá tra Việt đang chiếm một thị phần tại châu Âu song cá tra Việt Nam - sản phẩm vàng của ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với thách thức trong cạnh tranh. Nếu như những năm trước cá tra Việt Nam “một mình một chợ” thì nay thị trường xuất khẩu mặt hàng này đang chứng kiến những đối thủ “đáng gờm”như: Philippines, Indonesia, Bangladesh…
Điều đáng buồn hơn cả, xuất khẩu cá tra đang trên đà “lao dốc” vì chất lượng sản phẩm không được bạn hàng đánh giá cao, mặc dù Việt Nam nắm rõ quy trình nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu mặt hàng này. Tương tự, thiếu đề cao về chất lượng hàng hóa xuất khẩu nên tôm Việt Nam ra nước ngoài cũng “bầm dập” vì kháng sinh cao…
Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chỉ 9 tháng đầu năm 2015 nhưng số lô hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, kháng sinh lần lượt là 165 và 78 lô. Số lượng thuỷ sản không đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu 9 tháng năm 2015 gần bằng cả năm 2014. Đây chính là vấn đề đáng lo ngại, vì không có chiến lược phát triển cụ thể theo hướng bền vững, Việt Nam sẽ có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
Việt Nam được đánh giá là một nước xuất khẩu ròng về lương thực và có thể định giá cho nhiều loại nông sản trên thị trường toàn cầu, từ mặt hàng gạo đến cà phê. Ngay cả trong lĩnh vực sản xuất, Việt Nam cũng đang giành được thị phần toàn cầu, với nhãn mác gắn tên “made in Vietnam” ngày càng phổ biến ở các trung tâm mua sắm trên toàn cầu. Thế nhưng, coi nhẹ nhu cầu người tiêu dùng các nước bằng những sản phẩm không chất lượng hay vi phạm quy định chất lượng hàng hóa thì nguy cơ thu hẹp thị trường không tránh khỏi.
Quy luật mấu chốt của thương trường trong hội nhập là mở ra “sân chơi” lớn, cạnh tranh hết sức khốc liệt, cho nên việc chiếm lĩnh thị trường hoàn toàn không đơn giản. Và, việc việc bảo vệ, gìn giữ để thị trường phát triển ổn định càng khó hơn. Chính vì lẽ đó mà thực tế đòi hỏi, DN Việt cần quan tâm đến chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời tạo dựng thương hiệu quốc gia nhằm khẳng định vị thế trên thương trường.