Để di sản thành điểm đến quốc tế

Hạ Huyền 11/11/2015 11:25

Sẵn lợi thế khi có những di sản văn hóa hoặc thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận, nhiều địa phương đang nỗ lực nâng tầm điểm đến để thu hút du khách trong và ngoài nước. Những kỳ vọng ấy là hoàn toàn có cơ sở nếu chất lượng sản phẩm du lịch cũng được nâng tầm.

Cuộc sống người dân ở cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: TL.

Đẩy mạnh du lịch cộng đồng ở cao nguyên đá

Mới đây tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo bàn về chiến lược xây dựng phát triển công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn trở thành điểm đến quốc gia và quốc tế. Đây là công viên địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu từ năm 2010. Chính phủ cũng đã có Quyết định số 310/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, nhằm bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ các giá trị di sản như bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dân tộc bản địa dưới dạng các công viên chuyên đề.

Hội thảo nhằm tìm ra những vấn đề thực tiễn cần giải quyết về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phát triển du lịch, cũng như ghi nhận những ý kiến đóng góp về nghiên cứu thiết kế kiến trúc, thiếu kiến trúc có bản sắc; các giải pháp định hướng, ứng xử phù hợp đối với các đô thị trung tâm du lịch như thị trấn Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Tam Sơn… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cho việc xây dựng phát triển Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân bản địa.

Ngay từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận danh hiệu, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Văn phòng đại diện của UNESCO tại Việt Nam đã khẳng định, việc gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với cao nguyên đá Đồng Văn, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Cũng từ sự kiện này sẽ mở ra cơ hội để biến đá thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây, không ai khác mà chính những người dân địa phương sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự công nhận này.

Bà Katherine Muller Marin khi ấy đã tin rằng, chỉ trong tương lai gần, cao nguyên đá Đồng Văn sẽ là thương hiệu của Du lịch Hà Giang. Cùng với loại hình du lịch cộng đồng đã và đang được người dân bản xứ khai thác lâu nay, nhất định cao nguyên đá sẽ thành điểm đến lý tưởng.

Và đến nay, đã tròn 5 năm kể từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được vinh danh là công viên địa chất toàn cầu (từ năm 2010). Sau 5 năm, một Lễ hội hoa tam giác mạch lần đầu tiên sẽ diễn ra trong nay mai, đang được kỳ vọng la “cú hích” để thu hút du khách. Đó là những kỳ vọng hoàn toàn có cơ sở bởi địa phương đang chọn lựa hướng đi phát triển kinh tế du lịch từ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với vẻ đẹp tam giác mạch, Hà Giang còn có ruộng bậc thang hùng vĩ, còn có sự hấp dẫn từ văn hóa bản địa…

Du lịch Hà Giang dần khẳng định thương hiệu- một phần lớn nhờ nỗ lực từ cộng đồng. Nhưng còn đó là những băn khoăn về cung cách làm du lịch tự phát, mà lẽ ra cần được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư chuyên nghiệp hơn.

9.000 tỉ đồng để Huế thành điểm đến quốc tế

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, địa phương đang có kế hoạch tập trung đầu tư khoảng 9.000 tỉ đồng để xây dựng thành phố Huế thành đô thị xanh của Việt Nam - điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. Theo đó, kế hoạch này được chia thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn từ 2016-2020 đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2030 đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng. Việc xây dựng Huế thành một đô thị xanh, phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên đặc biệt là trùng tu khu kinh thành, điểm di tích, điểm đặc trưng thu hút du lịch của Huế.

Ngoài những hạng mục bảo vệ cảnh quan, môi trường đươc chú trọng, trong kế hoạch này, địa phương sẽ ưu tiên mở rộng tính đa dạng của các hoạt động du lịch, bao gồm du lịch văn hóa và sinh thái; xác định khu vực chiến lược của kinh thành, cụ thể là bên ngoài Hoàng thành mà có thể tái xây dựng để nâng cao trải nghiệm du lịch; xây dựng chợ thủ công mỹ nghệ mới ở phường Thủy Xuân; mở rộng cung cấp dịch vụ chợ đêm và biểu diễn văn hóa…

Dẫu vậy để TP Huế trở thành điểm đến mang tầm quốc tế, đang còn quá nhiều việc phải giải quyết. Trước hết là những tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu lên di sản. Bên cạnh đó là bài toán giữa bảo tồn và phát triển cũng đặt ra không ít lo ngại bởi công tác di dời các hộ dân sống liền kề gần di tích chưa giải quyết được dứt điểm. Theo thống kê, hiện vẫn còn hơn 3.000 hộ dân sống trong vùng quy hoạch của di tích.

Hơn nữa việc phát huy, khai thác các giá trị di sản tồn đọng nhiều hạn chế. Với sự hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia mỗi năm 25 tỉ cho công tác tu bổ và nguồn đầu tư của quốc tế, ngân sách địa phương, Huế được đánh giá là có thế mạnh nhất định trong bảo tồn, trùng tu di tích. Tuy nhiên con số thu được từ dịch vụ du lịch vẫn còn “khiêm tốn” so với tiềm năng di sản.

Ấy là chưa kể những nan giải trong việc bảo tồn nhà rường, nhà vườn cổ xứ Huế cùng việc phát huy giá trị của những di sản này. Bởi lâu nay người dân vẫn chưa thấy mình được hưởng lợi từ di sản này. Chỉ khi dịch vụ du lịch, chất lượng du lịch và sản phẩm du lịch được đánh giá là chuyên nghiệp, thì việc gắn mác điểm đến quốc tế mới được coi là xứng tầm.

Hạ Huyền