Hàng lậu, hàng giả chỉ bị xử lý qua loa
Hầu hết các chuyên gia kinh tế, xã hội và nhà sản xuất chân chính đều không hài lòng về mức độ xử lý kẻ sản xuất, phân phối hoặc tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái và nhập lậu hiện nay, mức xử phạt quá nhẹ, thậm chí qua loa.
Ảnh minh họa.
Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, chứa trữ hàng nhập lậu, hay tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn TP HCM vẫn diễn biến phức tạp. Điều này gây ra nhiều hậu quả cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất chân chính, nhà nước thì thất thu nguồn ngân sách lớn. Trong khi đó, các chế tài đối với các hành vi trên lại quá lỏng lẻo, không đủ sức răn đe.
Tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - trách nhiệm của mỗi chúng ta” do Ủy ban MTTQ TP HCM phối hợp tổ chức ngày 11/11, Chi cục Quản lý Thị trường TP HCM cho biết, phần lớn hàng nhập lậu vận chuyển vào thành phố từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Tây, miền Đông.
Phương thức hàng nhập lậu xâm nhập thị trường TP HCM bao gồm: Vận chuyển bằng đường bộ từ các tỉnh biên giới Việt Nam với các nước xung quanh, hàng nhập khẩu chính ngạch do khai gian chủng loại, số lượng, xuất xứ, hàng xách tay đi máy bay từ miền Bắc vào, từ nước ngoài về, hàng vận chuyển theo phương thức phát chuyển nhanh từ miền Bắc vào,....
Đối với hàng nhập lậu chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng các loại như vải, quần áo, điện thoại di động, đồng hồ, kính mắt, thiết bị điện gia dụng, dụng cụ cầm tay, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, thực phẩm. Hàng cấm chủ yếu là thuốc lá điếu nhập lậu, vận chuyển từ hướng Long An, Tây Ninh về thành phố phần nhiều vận chuyển bằng xe gắn máy thay đổi kết cấu, chạy tốc độ cao. Khi bị phát hiện, kiểm tra các đối tượng thường chạy trốn, bỏ lại xe gắn máy và thuốc lá.
Địa bàn kinh doanh hàng giả phần lớn phân bố trên các quận 1, 5, 6, Tân Bình, Gò Vấp và chủ yếu tập trung tại các chợ trung tâm, chợ bán sỉ như chợ Bến Thành, An Đông, Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình và một số trung tâm thương mại.
Theo ông Phạm Quí Cường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường TP HCM, thủ đoạn sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phổ biến hiện nay là dùng hàng kém chất lượng hoặc các nguyên liệu rẻ tiền khác pha trộn với hàng thật như các mặt hàng bột ngọt, phân bón; đối với rượu, bia thì sử dụng lại vỏ chai, nắp còn nguyên nhãn hàng hoá.
Một số đối tượng tự sản xuất hàng, hoặc mua thành phẩm trôi nổi có giá rẻ sau đó dán nhãn mác của các thương hiệu có uy tín đã được đăng ký nhãn hiệu như giày, dép, hàng may mặc, đồ dùng bằng da và giả da, mực in máy tính, văn phòng phẩm.... Hàng giả phần lớn được sản xuất từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam dưới dạng thành phẩm hoặc vận chuyển linh kiện, phụ kiện, bao bì rời về Việt Nam lắp ráp.
Ông Ngô Bách Phong - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM cho rằng, nạn hàng gian hàng giả không còn là chuyện nêu ra trên bàn hội nghị mà đã là nỗi lo thường trực của mọi gia đình trong cuộc sống ngày thường.
Đối với mọi nền kinh tế, hàng giả, hàng nhái và nhập lậu luôn là đối thủ hung ác làm rối loạn sự điều hành chung của nhà nước, gây thất thu ngân sách, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính tới bờ vực phá sản. Về mặt xã hội, lòng tin đối với hàng hóa có chất lượng, với thương hiệu của doanh nghiệp làm ăn chân chính bị hao mòn. Việc này các quốc gia đều hiểu rõ và coi hàng giả, hàng nhái và nhập lậu như kẻ thù trực tiếp phải nhanh chóng ra tay dẹp trừ.
Tại tọa đàm, hầu hết các chuyên gia kinh tế, xã hội và nhà sản xuất chân chính đều không hài lòng về mức độ xử lý kẻ sản xuất, phân phối hoặc tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái và nhập lậu hiện nay, mức xử phạt quá nhẹ, thậm chí qua loa. Nhiều kẽ hở luật pháp đang được những kẻ này ra sức lợi dụng.
Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp làm ăn chân chính khuyên người tiêu dùng khi mua hàng cần tìm hiểu kỹ tính năng, xuất xứ, công dụng, giá cả của sản phẩm, dịch vụ trước khi quyết định mua, sử dụng.